Thay vì mua sắm trực tiếp, người người đua nhau mua sắm trực tuyến mùa dịch Corona
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp, người dân tự bảo vệ mình bằng cách mua bán hàng qua mạng. Thậm chí, thay vì ăn tại quán, dân văn phòng gọi giao đồ ăn tận nơi. Nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp, hàng loạt doanh nghiệp đã chuyển sang đầu tư mạnh hơn vào kênh bán hàng trực tuyến để ứng phó. Đặc biệt, các trang thương mại điện tử tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng mơ ước.
Theo khảo sát của Nielsen vào tháng 2 vừa qua, chi tiêu vào các mặt hàng thiết yếu như đồ ăn khô, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh tăng mạnh trung bình 35-70%.
Các nhà bán lẻ trực tuyến như Tiki, SpeedLotte… ghi nhận số đơn hàng trung bình trong một ngày tăng ít nhất 2-4 lần. Dịch vụ mua sắm trực tuyến của Co.opmart tăng 4-5 lần trong cùng giai đoạn. Đơn vị vận chuyển Grab nhanh chóng ra mắt dịch vụ Grabmart, đi siêu thị giúp người tiêu dùng...
Tương tự, trong bối cảnh tạm đóng hàng loạt cửa hàng, doanh thu bán hàng online quý I của PNJ tăng tới 173% so với năm trước. Tuy nhiên, kết quả này chưa giúp ích nhiều cho công ty khi kênh online chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ khoảng 1% tổng doanh thu.
Đây là những động thái rất nhanh thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ. Trong 5 năm qua, thị trường bán lẻ trực tuyến, mặc dù tăng trưởng nhanh với mức trung bình 39%, cao hơn mức tăng 9% của thị trường bán lẻ truyền thống, vẫn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.
Theo ông Mohit Agrawal, Giám đốc bộ phận Thấu hiểu hành vi người tiêu dùng của Nielsen, người tiêu dùng Việt đang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. Đây là cơ hội để các đơn vị bán lẻ đầu tư phát triển một cách tích cực hơn vào nền tảng kỹ thuật số.
Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm thương mại đang có xu hướng giảm nhẹ, theo ghi nhận của CBRE. Đồng thời, hầu hết chủ đầu tư đã áp dụng mức giảm giá thuê trung bình từ 10-30% từ cuối tháng 2.
Tuy nhiên, CBRE cũng nhận định nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 9, tỷ lệ trống tại các trung tâm thương mại sẽ tăng mạnh ở mức 5-7%. Chủ mặt bằng cũng sẽ phải giảm khoảng 30% giá thuê hoặc giãn thời hạn thanh toán nhằm giữ chân khách thuê.
PV