Sản phẩm đầu tiên cho thu hoạch là 2.500 gốc dưa chuột với sản lượng 15 tấn; tiếp đó là dưa kim hoàng hậu với sản lượng 3,5 tấn quả, đem lại lợi nhuận xấp xỉ 200 triệu đồng

Để có được một mô hình có thể nói đến thời điểm này là thành công của Hòa Bình GAP đòi hỏi sự đầu tư hiện đại, nguồn vốn lớn. Hiện tại, Công ty đã đầu tư gần 4 tỷ đồng để xây dựng nhà kính, hạ tầng đi kèm, điện, hệ thống tưới tiêu…  

Hiện nay, một thực trạng mà ai cũng  có thể nhận thấy đó là thực phẩm bẩn bủa vây cuộc sống người dân vào tận bữa ăn của mỗi gia đình, nên vấn đề sản xuất ra những sản phẩm sạch là một tiêu chí được đặt lên hàng đầu của Công ty. Để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra được sản phẩm sạch, cần vốn lớn mà phần lớn nông dân không có điều kiện đáp ứng và điều này đã thúc đẩy Công ty mạnh dạn đầu tư đưa giống dưa kim hoàng hậu vào trồng

Mô hình trồng dưa trong nhà kính: Một hướng đi nhiều tiềm năng - Hình 1

Những luống dưa lưới 

Hiện nay, dưa chuột lứa 2 đang thời kỳ ra hoa kết trái, sản phẩm dưa lưới chuẩn bị cho thu hoạch. Với chất lượng quả đồng đều, màu thịt đẹp, giòn và ngọt, toàn bộ sản phẩm đã có đầu ra tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội..

Hệ thống nhà kính có ưu điểm vượt trội giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, chủ động chế độ dinh dưỡng cho cây… và do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên đảm bảo sản phẩm an toàn, giảm chi phí sản xuất.

Theo cán bộ kỹ thuật của Công ty, đến thăm những luống dưa lưới đang chờ ngày thu hoạch, giúp chúng tôi càng hiểu rõ hơn những ưu thế của mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại này. Dưa lưới chịu nắng tốt nhưng không chịu được mưa, nếu gặp mưa quả sẽ bị nứt. Nhà kính Israel không những che mưa, điều chỉnh yếu tố bên ngoài như nhiệt độ, đổ ẩm mà còn ngăn côn trùng, chuột… xâm nhập gây hại. Việc không gieo hạt trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất.

 Mô hình trồng dưa trong nhà kính: Một hướng đi nhiều tiềm năng - Hình 2

Một ưu điểm nữa của nhà kính lắp đó là đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đến từng gốc cây. Nước chứa dinh dưỡng được tưới 8 lần mỗi ngày, mỗi ngày từ 100 - 200ml, tưới chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều. Không chỉ ít sâu bệnh, năng suất cao, ổn định, quá trình sản xuất còn tốn ít nhân công, trung bình chỉ cần 1 người/1.000m2.

Đồng thời, có thể trồng các vụ nối tiếp nhau mà không cần luân canh để cải tạo đất. Qua 1 năm ứng dụng đã khẳng định, mô hình trồng dưa trong nhà kính ứng dụng công nghệ cao của Israel cho năng suất cây trồng gấp 15 lần so với phương pháp canh tác thông thường, thời gian thu hoạch ngắn, dưa chuột từ 25 - 30 ngày, dưa kim hoàng hậu 60 - 65 ngày, dưa lưới 70 - 75 ngày.

Thực tế cho thấy, nếu có sự đầu tư bài bản, việc trồng dưa trong nhà kính nói riêng và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nói chung, có thể giúp tăng năng suất cây trồng lên hàng chục lần so với phương pháp thông thường, thu lợi nhuận hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng mỗi ha.

Tuy nhiên, đầu tư công nghệ cao rất tốn kém, vì thế, rất cần Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay vốn để kích cầu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao – để mỗi địa phương sẽ có nhiều mô hình trồng cây công nghệ cao, góp phần đưa cuộc sống của mỗi người dân được hưởng thành quả chất lượng cao này.

Tâm An