Hai năm qua, đại dịch Covid 19 đã khiến hoạt động của toàn ngành du lịch bị tê liệt. Chính sách mở cửa du lịch từ 15/03 là thời điểm đẹp và chín để mở cửa ngành du lịch, chuẩn bị đón làn sóng khách quốc tế vào các mùa du lịch trong năm. Đặc biệt, vào tháng 05/2022, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức SEA Games 31. Sự kiện này sẽ là cơ hội tốt để chúng ta bước đầu thu hút lại khách du lịch quốc tế.
Gần 6,2 triệu lượt khách dịp Tết Nguyên đán vừa qua báo hiệu sự hồi sinh của ngành du lịch sau 02 năm "ngủ đông". Theo các chuyên gia, tín hiệu vui từ dòng khách du lịch vừa qua sẽ tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển, cộng thêm những "lực đẩy" khác như gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Dấu ấn khởi sắc của các điểm đến hàng đầu cho thấy, du lịch "ngủ đông" là tạm thời.
Ngay khi "bình thường mới", những nơi được đầu tư du lịch bài bản, chuyên nghiệp đang trở thành thỏi nam châm hút khách. Du lịch khởi sắc đang tạo thêm đà tăng trưởng cho thị trường địa ốc. Trong đó, phân khúc bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng được kỳ vọng tăng trưởng mạnh. Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng đầu tư năm 2022.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam phân tích, thị trường BĐS năm 2022 sẽ có nhiều lực đẩy như Luật Đất đai được dự kiến sẽ trình Quốc hội trong năm 2022 xem xét, sửa đổi. Từ đó, các Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở cũng thay đổi để phù hợp với sự phát triển của thị trường. Cùng với hàng loạt cơ chế, chính sách, định hướng khác thì đây là những điểm tựa/lực đẩy cho thị trường năm 2022.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế phân tích, hiện Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, người dân cũng dần quen sống chung với dịch, du lịch sẽ là ngành được ưu tiên phục hồi với nhiều chính sách hỗ trợ, các chương trình ưu đãi kích cầu hấp dẫn. Kéo theo đó là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng nóng lên.
Theo ông Thịnh, hiện Chính phủ đang có lộ trình mở cửa đường bay quốc tế, sẽ kích thích du lịch quốc tế trong thời gian tới ở mức giúp ngành bất động sản nghỉ dưỡng đỡ vất vả hơn trong năm 2021.
Chia sẻ trên báo chí, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, bất động sản nghỉ dưỡng luôn có 02 lực đẩy cho sự phục hồi. Thứ nhất là cung cầu thị trường đang hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn nhờ sự điều tiết, quy hoạch của các bộ ngành. Thứ hai, du lịch đang dần khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn với mức đóng góp có thể lên tới 12 – 14% GDP vào năm 2025.
Đáng chú ý, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ, đơn độc. Những đại đô thị du lịch chất lượng cao, thu hút đông đảo nhà đầu tư đang là hướng đi mới, là sự cơ cấu lại của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, thị trường BĐS nghỉ dưỡng gần đây là sự hình thành một phân khúc sản phẩm mới - bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài. Nhờ kết hợp được hai yếu tố, vừa là ngôi nhà thứ hai có sổ đỏ, pháp lý đầy đủ, vừa có yếu tố nghỉ dưỡng, các bất động sản này đã đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu của khách hàng, nhà đầu tư vừa để ở vừa có thể kinh doanh sinh lợi.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ cho rằng, đối với BĐS du lịch nghỉ dưỡng, thì khu vực ven đô đang rất được các nhà đầu tư quan tâm, bởi nhu cầu rất lớn và không ngừng tăng nhanh. Các khu vực ven đô Hà Nội như các tỉnh Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nam… đang có lợi thế về cảnh quan, văn hóa, ẩm thực để phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Trong đó, quan trọng hơn cả là yếu tố cự ly, từ trung tâm đến khu vực ven đô chỉ mất khoảng 1 giờ di chuyển, rất phù hợp với nhu cầu đi nghỉ dưỡng gần của các gia đình trong thành phố, thậm chí đang dần hình thành xu hướng các gia đình sống ở vùng ven, rồi vào nội đô đi làm khi yếu tố hạ tầng giao thông được cải thiện đồng bộ.
Theo dữ liệu của Batdongsan.wwwiso.com, trong tháng 1 nhiều người nghỉ tết sớm nhưng thị trường bất động sản lại có nhiều điểm đáng chú ý. Cụ thể, báo cáo thị trường bất động sản tháng 1 cho thấy, lượng tin đăng và mức độ quan tâm giảm ở tất cả các loại hình, lần lượt ở mức 24% và 38% so với tháng 12/2021. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái thì lượng tin đăng và mức độ quan tâm đã tăng lần lượt 17% và 9%. Trong đó, thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diễn biến trái chiều. Tại Hà Nội, mức độ quan tâm và lượng tin đăng tăng cao, lần lượt ở mức 14% và 30%. Tuy nhiên tại TP. Hồ Chí Minh, thị trường có phần ổn định hơn khi hai chỉ số giảm nhẹ ở mức 1% và 2%.
Minh An (T/h)