Những bước tiến sáng tạo
Cách đây 2 năm, Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã áp dụng thành công phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong can thiệp bệnh nhân nhồi máu não cấp trong khoảng thời gian từ 6 đến 24 giờ theo các tiêu chuẩn điều trị của châu Âu và thế giới.
TS.BS Nguyễn Quang Ân, Giám đốc Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Đây được xem là bước đột phá quan trọng của đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện, mở ra cơ hội sống cho hàng trăm bệnh nhân. Kết quả hình ảnh chụp MRI não của người bệnh được đưa vào phần mềm này sẽ giúp chúng tôi xác định những vùng bị tổn thương. Sau khi xác định được vùng “tranh tối tranh sáng”, những vùng nhu mô não sẽ chết trong những giờ tiếp theo vốn rất khó xác định bằng các phương pháp hình ảnh học thông thường, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp”.
Cũng theo bác sĩ Ân, cấp cứu đột quỵ não cấp cần sự tham gia của nhiều kíp khác nhau, cần sử dụng rất nhiều trang thiết bị hiện đại, việc xây dựng quy trình một cách tối ưu nhất để phát huy tối đa những điểm mạnh của phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID là điều mà các bác sĩ đặt lên hàng đầu. Làm chủ được những phần mềm công nghệ hàng đầu thế giới cũng là một trong những thách thức rất lớn đòi hỏi những người thầy thuốc dày dặn kinh nghiệm, vững vàng chuyên môn. Các bác sĩ tại Trung tâm đột quỵ đã vận dụng sáng tạo, thiết kế khoa học, vừa đảm bảo chất lượng cao nhất lại vừa tiết kiệm thời gian tối ưu.
Từ năm 2019 đến cuối năm 2020, đã có 652 bệnh nhân được áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID, trong đó có 85 bệnh nhân được tiêu huyết khối bằng thuốc, 44 bệnh nhân được can thiệp trong cửa sổ thời gian 0 - 6 giờ, 24 bệnh nhân can thiệp ở cửa sổ 6 - 24 giờ. Cùng các biện pháp điều trị chuyên sâu khác, hiệu quả cải thiện tỷ lệ tàn tật và tử vong đạt mức cao. Đối với các y, bác sĩ, điều dưỡng tại Trung tâm, món quà quý giá, niềm hạnh phúc lớn nhất của họ chính là giành lại sự sống cho người bệnh trước ranh giới mong manh.
Cùng với ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị, việc đưa vào sử dụng cánh tay robot MAXIO đã mở ra nhiều hy vọng cho người bệnh không may mắc ung thư. Hiện nay, tất cả bác sĩ tại đơn vị Xạ trị và Y học hạt nhân - Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đều có thể sử dụng thành thạo cánh tay robot MAXIO để thực hiện sinh thiết khối u. Từ năm 2016 đến nay, dưới sự trợ giúp của cánh tay robot, các bác sĩ đã tiến hành sinh thiết khối cho trên 1.250 lượt người bệnh và gần 70 ca bệnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật này để đốt u gan, u thận và u phổi qua da bằng sóng cao tần.
Theo TS.BS Phạm Tiến Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Trưởng đơn vị Xạ trị & Y học hạt nhân: Việc sử dụng cánh tay robot MAXIO trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung bướu nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh; giúp người bệnh và bác sĩ có thêm các lựa chọn thực hiện thủ thuật an toàn, ít xâm lấn, ít đau đớn, độ chính xác cao, hiệu quả điều trị tốt ngay tại tuyến tỉnh, nhờ đó giảm chi phí khi người bệnh phải chuyển lên tuyến trên điều trị.
Bệnh viện là nơi cung cấp dịch vụ y tế. Vì vậy những người thầy thuốc luôn coi người bệnh là khách hàng, lấy người bệnh là trung tâm. Cùng với tinh thần, thái độ hết lòng phục vụ người bệnh, họ còn không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Hướng đến nền y tế thông minh
Chuyển biến tích cực của đội ngũ cán bộ ngành y tế tỉnh đó là thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động; từ thái độ “ban ơn” sang “cung ứng dịch vụ” một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu đã được triển khai thành công ngay tại y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh. Trong các nỗ lực đó, điểm nhấn quan trọng góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân chính là triển khai ứng dụng tổng thể và toàn diện CNTT, nhằm tiến tới xây dựng một nền y tế thông minh. Khi đó, mọi người dân có thể tiếp cận sử dụng các dịch vụ y tế hoặc truy xuất, theo dõi thông tin sức khỏe bản thân ở mọi nơi; việc tiếp cận dễ dàng, thuận tiện, minh bạch, chất lượng và bảo mật.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của đội ngũ y, bác sĩ từ tỉnh đến cơ sở, 98% người dân trong tỉnh đã được thiết lập hồ sơ sức khỏe điện tử. 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh/huyện đã triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý thông tin Bệnh viện (HIS), quản lý thông tin xét nghiệm (LIS), truyền tải, xử lý và lưu trữ hình ảnh không in Film (PACS);… Thông qua việc chủ động xây dựng và triển khai hệ thống tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa đã giúp người bệnh được khám, chẩn đoán và điều trị trực tuyến từ các chuyên gia đầu ngành tuyến trên.
Đối với các y, bác sĩ làm việc tại tuyến cơ sở, việc ứng dụng CNTT đã tạo nhiều thuận lợi hơn trong hoạt động chuyên môn. Gần 30 năm gắn bó với công tác y tế cơ sở, bác sĩ Trần Thị Thu Huyền, Trạm trưởng Trạm y tế xã Sơn Hùng, huyện Thanh Sơn chia sẻ: “Trước kia, cán bộ ở trạm phải mất rất nhiều thời gian ghi chép sổ sách, từ hoạt động tiêm chủng đến việc triển khai các chương trình mục tiêu Quốc gia. Nhưng từ khi triển khai phần mềm quản lý thông tin y tế cơ sở, Trạm y tế xã đã từng bước xóa bỏ các loại sổ sách và báo cáo giấy truyền thống.Vì thế, chúng tôi có nhiều thời gian hơn dành cho hoạt động chuyên môn”.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thuận lợi trong triển khai ứng dụng CNTT vào khám, chữa bệnh, riêng năm 2020, Sở Y tế đã cử 80 cán bộ, bác sĩ đi đào tạo sau đại học; 102 cán bộ dự thi tuyển các vị trí bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ y học, bác sĩ chuyên khoa I và nghiên cứu sinh.
Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị tiên tiến hiện đại, đội ngũ những người thầy thuốc từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động ứng dụng, từng bước làm chủ công nghệ thông tin vào tổng thể các hoạt động trong toàn ngành, góp phần tạo nên diện mạo, phong cách làm việc mới, thông minh, hiện đại và hiệu quả, từ đó thiết thực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, khẳng định vai trò, vị thế của các lương y thời đại mới.
Hồng Nhung