Theo đó, công tác bảo vệ rừng, PCCCR là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong suốt mùa khô, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Các chủ rừng có trách nhiệm chủ động triển khai giải pháp bảo vệ rừng, PCCCR như xây dựng đê bao giữ nước, các bến lấy nước chữa cháy tại các đập, kênh dẫn nước nội đồng đảm bảo phương tiện chữa cháy tiếp cận dễ dàng; xây dựng đường băng cản lửa.
Làm giảm khối lượng vật liệu cháy trong rừng, thực hiện nghiêm biện pháp PCCCR theo cấp dự báo cháy rừng, từ cấp I (cấp thấp, ít có khả năng cháy rừng) đến cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm, thời tiết khô, hạn, kiệt kéo dài, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng).
Đồng thời, biện pháp chữa cháy rừng phải kịp thời, chính xác, khẩn trương, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ gồm lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các địa phương, các đơn vị chủ rừng về an toàn PCCCR và kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ rừng, PCCCR, khả năng huy động lực lượng, phương tiện khi xảy ra cháy rừng trên địa bàn.
Yến Linh (t/h)