Quyết định trên được đưa ra tại COP28 đang diễn ra tại Dubai, Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), nơi các quốc gia đang nỗ lực đạt được thỏa thuận về tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, Azerbaijan, nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu dầu khí, sẽ đăng cai COP29 từ ngày 11-22/11/2024. Brazil, một trong 10 quốc gia sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, đã đề xuất tổ chức COP30 tại một thành phố ven rừng Amazon. Dự kiến, COP30 sẽ diễn ra từ ngày 10-21/11/2025, năm quan trọng đối với các cuộc đàm phán khi các quốc gia được kỳ vọng có thể cải thiện những cam kết về khí hậu.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã cam kết ngăn chặn hoàn toàn nạn phá rừng vào năm 2030 và đưa quốc gia Nam Mỹ này trở thành nước đi đầu về bảo vệ rừng, đồng thời thúc đẩy kế hoạch gia nhập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+). Tại COP28, Tổng thống Lula da Silva cho biết Brazil sẽ kêu gọi các nước sản xuất dầu mỏ sẵn sàng giảm nhiên liệu hóa thạch.
Đề xuất giảm dần, loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một trong những vấn đề nóng mà các đại biểu của khoảng 200 nước đang nỗ lực tìm tiếng nói chung tại COP28. Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, một số nước khác phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận tại COP28. Về mặt lý thuyết, một thỏa thuận như vậy sẽ được hoàn tất vào ngày 12/12, ngày họp cuối cùng của hội nghị.
Hà Trần (t/h)