Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lạng Sơn, Lạng Sơn hiện còn trên 30.000 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo, cận nghèo; trong đó có trên 13.000 trẻ em sống trong gia đình nghèo; trên 1.900 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Trong số đó, phần lớn các em có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, do khuyết tật không có điều kiện phẫu thuật phục hồi chức năng…. Những trẻ em này đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của xã hội để các em vơi đi nỗi bất hạnh, thắp lên niềm tin, hy vọng vào tương lai và có cơ hội hoà nhập cộng đồng.
Thực hiện Kế hoạch số 28/KH-UBND ngày 30/1/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn về triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025. Thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều chương trình cụ thể để hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng.
Ông Đàm Văn Chính, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Lạng Sơn cho biết: Chương trình phẫu thuật cho trẻ em mắc các dị tật bẩm sinh, khuyết tật năm 2024 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2020 – 2025 với mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025 trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật.
Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Lạng Sơn phấn đấu 80% trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; phấn đấu 70% trẻ em khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng phù hợp; 80% cha mẹ, người chăm sóc trẻ khuyết tật được cung cấp các kiến thức, kỹ năng về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại cộng đồng; 100% các huyện, thành phố triển khai thiết lập mạng lưới liên kết các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật tại cộng đồng.
Sau 8 năm liên tiếp phối hợp với BVĐK tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm hỗ trợ trực tiếp trẻ khuyết tật (Trung tâm 2), Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam thực hiện chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Đến nay đã có hơn 5.000 trẻ bị mắc các dạng dị tật bẩm sinh, khuyết tật của tỉnh Lạng Sơn được khám và trên 700 trẻ em được can thiệp phẫu thuật miễn phí. Ngoài việc tài trợ hoàn toàn chi phí phẫu thuật, chương trình còn hỗ trợ một phần chi phí đi lại, ăn ở của bệnh nhi trong thời gian lưu viện.
“Thành quả đáng giá nhất của chương trình là trẻ khuyết tật được chỉnh sửa những khiếm khuyết, được sống lạc quan, vui vẻ như bao bạn bè cùng trang lứa”, ông Đàm Văn Chính chia sẻ.
Có mặt tại Chương trình phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024, chị Lý Thị Mỳ, mẹ cháu Lý Hoàng Anh (14 tuổi), xã Nhạc Kỳ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Con tôi bị nói ngọng nên cháu luôn mặc cảm và không dám vui chơi với bạn bè cùng trang lứa. Hôm nay, chúng tôi rất vui vì cháu được các bác sĩ, chuyên gia của bệnh viện tuyến Trung ương và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn phẫu thuật miễn phí, hỗ trợ tiền đi lại. Con tôi từ nay có thể tự tin vui chơi với bạn bè.
Không chỉ có cháu Hoàng Anh, trong Chương trình phẫu thuật cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2024, hơn 200 trẻ khuyết tật được tham gia khám sàng lọc. Sau khi khám sàng lọc, gần 60 trẻ được chỉ định phẫu thuật. Các trường hợp được phẫu thuật do mắc các dị tật: dị tật hệ vận động, dị tật mắt (lác, sụp mi), dị tật răng – hàm – mặt…
Cùng với việc mang lại hạnh phúc cho trẻ khuyết tật, chương trình đã tạo điều kiện cho cán bộ, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn nâng cao khả năng chuyên môn, nghiệp vụ, có thể thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên khoa phức tạp. Trong những năm qua, Trung tâm II, Hội cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam thường xuyên mời các chuyên gia đầu ngành ở các bệnh viện Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn, Mắt Trung ương, Đại Học Y Hà Nội phối hợp với các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn để tiến hành khám bệnh, phẫu thuật và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn.
Bác sĩ Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Sau 8 năm chương trình được triển khai tại bệnh viện, các y, bác sĩ của bệnh viện được trực tiếp tham gia phẫu thuật cùng các chuyên gia, bác sĩ đầu ngành theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Hiện nay, đơn vị đã cơ bản thực hiện đầy đủ các kỹ thuật y tế trong thực hiện phẫu thuật các loại dị tật cho trẻ em và độc lập xử lý được một số dị tật, khuyết tật để các cháu không phải chuyển đến các bệnh viện tuyến Trung ương. Qua đó, đã tạo điều kiện cho cán bộ y tế của đơn vị nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Cùng với thành công của chương trình, mong rằng, thời gian tới, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Chương trình để góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chương trình về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Để chương trình sẽ ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội, tạo thành một phong trào, một nếp sống nhân văn, hết lòng giúp đỡ người khuyết tật - đặc biệt là trẻ em khuyết tật đúng với bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Triệu Thành