Ngày 10/2/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Công điện nêu rõ, cán bộ, công chức chấp hành nghiêm việc sử dụng giờ hành chính và xe công đi lễ hội, trừ các trường hợp thực thi nhiệm vụ theo chức trách phân công…

Có lệnh cấm… vẫn “dùng”

Cách đây 7 năm, tháng 5/2007, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 59, chính thức cho phép các chức danh từ tương đương thứ trưởng trở xuống (ở cấp tỉnh là từ phó chủ tịch HĐND và UBND trở xuống) được khoán xe công. Tiếc thay, đã 7 năm qua, một chính sách thực hành tiết kiệm đúng đắn như vậy,  nhưng chỉ có duy nhất một người thực hiện. Đó là ông Trần Quốc Thuận, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Mới đây, như báo chí đã thông tin một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau, dùng xe công vụ đi làm việc riêng vào ngày nghỉ lễ gây ra tai nạn rồi còn tỏ thái độ hăm dọa người bị nạn.

Cụ thể, sáng ngày 9/1/2015, Đại tá Võ Hoàng Nhớ, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau xác nhận, chiếc xe ô tô gây va chạm với xe gắn máy ở Sóc Trăng vào ngày 2/1/2015 chính là xe của đơn vị này. Qua tìm hiểu, xe Toyota màu trắng mang BKS 69H-4567 là xe của Phòng CSGT Công an Cà Mau, người ngồi trên xe hôm đó là Trung tá Đoàn Thanh Khải, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Cà Mau, người lái xe là Lê Chí Nguyện chiến sỹ của đơn vị này.

Hay sự việc cách đây chưa lâu, xe cứu thương mang biển xanh, tức xe công của Trung tâm Y tế thị xã Bảo Lộc (Lâm Đồng), bật đèn quay và hú còi ưu tiên giành chỗ trong bãi đậu xe tại 1 resort trong Khu du lịch Hòn Rơm, Mũi Né (Bình Thuận). Đoàn người trên xe sử dụng các dịch vụ tại đây trước khi quay trở về TP. Phan Thiết tổ chức ăn nhậu tại 1 quán hải sản khác 6 giờ sau đó.

Dư luận đặt câu hỏi: Những người sử dụng xe công trái mục đích này bị xử lý ra sao? Họ có bị truy thu tiền xăng xe?

Việc cán bộ lạm dụng của công, không chỉ là vấn nạn mới ở Việt Nam, mà là của cả thế giới. Tuy nhiên, sử dụng biện pháp xử lý mạnh tay để giải quyết triệt để vấn đề này thì không phải quốc gia nào cũng làm được.

Con số khủng “nuôi” xe công

Theo số liệu chưa đầy đủ, cả nước đã có khoảng 37.000 xe ô tô công đang được sử dụng (chưa bao gồm xe của lực lượng vũ trang, DNNN) với tổng nguyên giá hơn 20.000 tỷ đồng. Trong đó, xe phục vụ chức danh lãnh đạo khoảng 1.000 chiếc; xe phục vụ công tác chung 25.000 chiếc (riêng năm 2013, số xe công mua mới ở nước ta là gần 1.500 chiếc).

Chưa tính chi phí sửa chữa, giả thiết mỗi xe công sử dụng hết 1 triệu tiền xăng/tháng thì mỗi năm, ngân sách đã phải chi 44 tỷ đồng tiền xăng. Đó là chưa kể đến chi phí cho lực lượng lái xe cũng lên đến hơn 30.000 người.

Trao đổi với phóng viên báo chí về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch thẳng thắn: “Hiện tượng cán bộ sử dụng xe nhà nước vào việc riêng rất nhiều. Thứ 7, chủ nhật, từ đám cưới đến đám ma, về quê… cán bộ đều dùng xe nhà nước hết. Ai chống được cái này? Giờ phải làm từng cái cụ thể đi, tiết kiệm từng cái một. Tôi nghĩ, luật phải quy định cụ thể điều này, không phải chung chung nữa”.

Ông Lịch còn đưa ra phép tính lương của một ông thứ trưởng hơn chục triệu đồng/tháng, nhưng chi phí cho chiếc xe công mà ông này đi gấp 3 lần (chi phí trả lương tài xế, phí bảo trì, bảo hiểm…). Trong khi đó, có bộ có tới hàng trăm chiếc xe công với đội ngũ lái xe cả trăm người.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương bức xúc: “Vấn nạn dùng xe công vụ vào việc cá nhân là một việc sáng như ban ngày, đã từ lâu chúng ta nói không được dùng xe công cho việc riêng, tất cả những ai dùng xe công làm việc riêng là một việc làm xấu, không nên làm và cần phải chấm dứt. Cán bộ là công bộc của dân, những người được dân giao nhiệm vụ phải có liêm sỉ trong việc này. Sử dụng của công vào việc riêng cũng là một loại tham nhũng”.

Ông Hùng đề xuất: “Do chế tài chưa đủ mạnh nên nếu chưa có quy định thì bây giờ chúng ta phải có quy định về chế tài xử phạt. Đồng thời, muốn việc thực hiện nghiêm túc thì trước tiên thủ trưởng phải là người đi đầu gương mẫu, nhắc nhở cán bộ, nhân viên”.

Kiều Tuyết