Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 220 dự án; trong đó có 192 dự án đầu tư sử dụng vốn trong nước với số vốn đăng ký 16.517,6 tỷ đồng, quy mô diện tích đất 14.901,8 ha và 28 dự án 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 69,55 triệu USD.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh thu hút được 214 dự án đầu tư, vốn đăng ký 16.352 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016-2020 đạt 130.000 tỷ đồng, theo đó, vốn của khu vực tư nhân chiếm khoảng 75%; tập trung vào một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Lâm Đồng chỉ thu hút được 9 dự án đầu tư, với diện tích đăng ký hơn 77 ha và tổng vốn đăng ký hơn 700 tỷ đồng. Cùng với đó, có 24 dự án xin điều chỉnh nội dung đầu tư, 3 dự án khác bị thu hồi, chấm dứt hoạt động. Tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh hiện nay là 969 dự án, trong đó chỉ có hơn 600 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.
Một số dự án lớn, lĩnh vực mới như sản xuất dược phẩm Nanogel, sản xuất bia, sản xuất sợi len lông cừu, sản xuất giống rau, hoa áp dụng công nghệ cao, thủy điện... đi vào hoạt động đang góp phần đa dạng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm tại địa phương.
UBND tỉnh Lâm Đồng nhận định, thu hút đầu tư của tỉnh bị chững lại là do cơ chế, chính sách còn hạn chế, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm, né tránh và đùn đẩy công việc làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Phong Vân