Ký ức 30/4/1975... - Hình 1                                  

 Hình minh họa

Vào thời khắc lịch sử ấy, chúng tôi, những người lính công binh làm nhiệm vụ phá gỡ bom mìn thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 93 (Bộ Tư lệnh Công binh) đang đóng quân ở huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, luôn trong tư thế thấp thỏm chờ đợi, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ.

Tôi là chiến sỹ tân binh quê Hà Nội, vừa qua một khóa huấn luyện kỹ thuật rà phá bom mìn nên càng hiểu rõ nhiệm vụ của người lính lúc đó: Có lệnh là đi, nơi nào cần là đến. Nhiệm vụ của những người lính công binh đã thành khẩu hiệu “công binh đi trước, về sau”. Trước mỗi trận đánh, lính “bom mìn” bao giờ cũng là những chiến sỹ tiên phong đi trước mở đường cho các đơn vị đánh chiếm mục tiêu và ở lại sau cùng khắc phục hậu quả…

Ngày 28/4/1975, chúng tôi nhận lệnh lên đường. Mỗi người được trang bị  lương khô, súng AK, ba lô “con cóc”, xẻng công binh, bình tông nước, bát sắt, thắt lưng, dao găm, thuốn dò mìn, máy dò mìn… khá lỉnh kỉnh so với lính bộ binh.

Để đảm bảo giữ bí mật quân sự, không ai được biết trước địa điểm tập kết ở đâu, nhưng trong suy nghĩ của mọi người, ai cũng hiểu rằng chúng tôi đang được tăng cường cho mặt trận phía nam.

Xe chạy suốt đêm, ngày dừng nghỉ tại các trạm giao liên. Đến trưa 30/4/1975, khi vừa đến thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, thì nhận được tin bộ đội ta đã giải phóng Sài Gòn, Tổng thống Ngụy, Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Anh em đơn vị ôm nhau nhảy cẫng lên trong niềm vui không thể diễn tả nổi. Vậy là chúng tôi không được vinh dự có mặt ở Sài Gòn trong ngày vui chiến thắng bởi mệnh lệnh cấp trên giao phải ở lại Quảng Trị làm nhiệm vụ.

Chiến tranh kết thúc, cả nước đã im tiếng súng. Những chiến sỹ từ các mặt trận phía nam lần lượt nghỉ phép về quê thăm gia đình. Còn chúng tôi, lúc này đây lại bắt đầu bước vào một trận chiến mới – trận chiến thầm lặng không kém phần nguy hiểm, ác liệt.

Sau 1 tuần nghỉ ở thị xã Đông Hà, tiểu đội tôi nhận lệnh lên đường đi huyện Triệu Phong, rồi quay ra Dốc Miếu (Cồn Tiên), một căn cứ quân sự cũ của địch thuộc huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Ngày đầu xuất quân, Thiếu úy Phạm Văn Thắng (quê Thanh Hóa), Chính trị viên Đại đội 3 trực tiếp dẫn chúng tôi vào bãi mìn và căn dặn: “Các đồng chí hãy bình tĩnh, tự tin và tập trung cao độ… Nên nhớ, nghề của chúng ta không có cơ hội để rút kinh nghiệm”.

Chúng tôi lặng lẽ về vị trí, mỗi người cách nhau 50 m trong khoảng cách an toàn nhằm giảm thiểu rủi ro. Trong cái nắng khô khốc của miền Trung, mồ hôi nhỏ giọt trên áo từng người. Tiến về phía hàng rào dây kẽm gai bùng nhùng của bãi mìn, tôi dùng kìm cộng lực cắt đứt một đoạn, rồi xử lý tiếp lớp hàng rào kẽm gai thứ 2, cắm cờ đuôi nheo phân ranh giới, rồi ấn từng nhát thuốn thận trọng xuống mặt đất với góc nghiêng 45o, mũi nọ cách mũi kia 3 cm một cách bài bản.

Chưa đầy 15 phút sau, tôi giật mình khi nghe tiếng “kịch”, nhát thuốn chựng lại vì gặp phải vật cản. Tôi tiếp tục thuốn xung quanh để kiểm tra và căng mắt quan sát, bỗng tôi phát hiện ngay trước mũi thuốn là 3 chiếc râu tôm mìn M14A2 nằm ẩn nấp sau bụi cỏ. Sống lưng tôi bỗng thấy lành lạnh, tay chân nổi da gà vì sợ…

Cảm giác của một anh lính tân binh 18 tuổi, lần đầu tiên tiếp xúc với “thần chết” như tôi lúc đó thật khó diễn tả. Ngồi trấn tĩnh một lúc, tôi lấy chốt an toàn ra cài và tháo đầu nổ, rồi tiến hành đào đất đưa quả mìn 3 râu tôm về nơi quy định. Đây là loại mìn nguy hiểm, bởi khi nổ chúng nhảy lên khỏi mặt đất ở độ cao 0,5 - 1 m, bán kính sát thương 150 m, có khả năng tiêu diệt một trung đội 30 người.

Ngày đầu là vậy, nhưng chỉ sau 1 tháng làm quen với bãi mìn, chúng tôi đã trở thành những người lính “thiện chiến”. Cảm giác sợ hãi không còn, thay vào đó là những nhát thuốn chủ động tìm mìn vì chúng tôi đã tìm ra quy luật bố trí mìn của địch. Trong suốt mấy tháng làm nhiệm vụ ở đây, tiểu đội tôi đã rà phá hàng ngìn trái bom mìn các loại. Bình quân mỗi người tháo gỡ thu gom từ 30 - 50 trái bom mìn, vật cản/ngày và không ai xảy ra thương vong.

Ở những thời khắc gian nan, khi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, thì người ta thường tin vào sự may rủi. Hồi còn ở huyện Triệu Phong, một lần, binh nhất Hoàng Mạnh Cường (cùng tiểu đội) phát hiện một quả đạn pháo bi có vành sơn đỏ trông rất lạ mắt.

Không nghĩ rằng đây là một quả đạn pháo đã được bắn ra khỏi nòng nhưng không nổ, Cường ném về phía tôi và anh Bùi Quang Trung (chúng tôi vẫn thường gọi là Trung “già”) đang ngồi nghỉ giải lao gần đó để hỏi xem đó là gì. Bất ngờ, quả đạn nổ một tiếng chói tai, khói mù mịt.

Theo phản xạ, tôi lao vào một bụi cỏ gianh gần đó nằm úp mặt xuống đất. Khói tan, tôi nghe rõ tiếng anh Thắng (chính trị viên đại đội) từ xa nói trong thảng thốt: “Chết rồi…chắc là chết rồi… đồng chí nào vậy?.. Y tá đâu… cứu thương…”. Tôi nằm im, lấy tay sờ khắp người xem có bị thương chỗ nào không. Tay chân thân thể vẫn còn nguyên vẹn, chỉ bị mấy vết cỏ xước cứa vào tay ngứa và rát. Ngoảnh sang phía bên trái, tôi thấy anh Trung “già” đang rên rỉ, tay ôm mặt, bò trong bụi tre rậm rạp…

Kết quả, không ai bị thương vong, anh Trung “già” cũng không bị gì ngoài một vết ong đốt sưng vù mắt. Nếu hôm đó không có mô đất cao chắn trước mặt chúng tôi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra…

Tuy nhiên, điều làm chúng tôi cười chảy nước mắt trong sự cố này là không hiểu anh Trung “già” lao vào bụi tre trú ẩn bằng đường nào mà đến khi chui ra không chui được. Anh em phải lấy dao quắm phát quang bụi tre mới giúp anh Trung thoát ra ngoài. Sau sự cố này, đơn vị tôi nghỉ 1 ngày để kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Những ngày tháng ở đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục vụ nổ bom mìn rất thương tâm. Những người dân nghèo lên đây khai hoang trồng trọt, kiếm củi… vấp phải mìn chết.

Tháng 11/1975, một hôm đang thiu thiu ngủ trưa, bỗng tôi giật mình nghe một tiếng nổ ầm. Một cột khói đen đặc bốc lên. Thiếu úy Nguyễn Đình Thông (Đại đội trưởng) thảng thốt gọi tôi và đồng chí Tâm lên bãi mìn gấp để cứu dân. Không kịp mặc áo, tôi và Tâm xách thuốn chạy lên bãi mìn và lần đầu tiên chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng, một người đàn ông nằm gục trên vũng máu, quần áo da thịt sạm đen rách nát, bụng vỡ toác. Quên cả sợ hãi, chúng tôi tức tốc dò mìn mở đường đưa xác nạn nhân ra ngoài. Bữa cơm chiều hôm đó, tôi không sao nuốt nổi và suốt đêm trằn trọc không ngủ.

Một lần khác, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng rất đau lòng. Hai anh em ruột trong một gia đình nghèo đi kiếm củi vấp phải mìn. Bé trai 15 tuổi chết tại chỗ, bé gái 12 tuổi cố giơ tay níu giữ gánh củi trong tiếng nấc tuyệt vọng của em: “Mẹ ơi, cứu con… con không muốn chết đâu…”.

Theo thống kê của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, sau chiến tranh, cả nước có khoảng 800.000 tấn bom mìn vật liệu nổ còn sót lại trong lòng đất, làm ô nhiễm hơn 20% diện tích đất đai toàn quốc. Nếu các đơn vị công binh tích cực rà phá thì cũng phải mất từ 300 đến 400 năm mới khắc phục xong. Kể từ khi chiến tranh kết thúc đến nay, đã có hơn 100.000 người chết và bị thương do tai nạn bom mìn.

Trong số đó, có 38.849 người chết, 65.752 người bị thương, và chỉ trong 2 năm (1975 – 1977), trong khi rà phát bom mìn, đã có gần 1.000 chiến sỹ hy sinh và hơn 1.000 chiến sỹ khác bị thương. Con số ấn tượng ấy đã thực sự làm tôi suy ngẫm. Mỗi lần ngoảnh nhìn lại quá khứ, tôi lại thấy rùng mình vì biết rằng mình đã vượt qua những cuộc chiến thầm lặng, ác liệt, nguy hiểm và may mắn toàn vẹn trở về.

Cuối năm 1975, chúng tôi rời Gio Linh sau khi hoàn thành nhiệm vụ được giao rồi di chuyển sang nhiều địa bàn khác trên đất Quảng Trị và cuối cùng chuyển về Hải Lăng, một huyện của tỉnh Quảng Trị, cách  thị xã Đông Hà 20km về phía bắc và cách tỉnh Thừa Thiên Huế 40km về phía nam.

Chúng tôi hành quân về Hải Lăng bằng xe ô tô vào một buổi sáng mù sương. Hai bên đường, những gò đồi bát úp và núi thấp chi chít những hàng rào dây thép gai, những cánh đồng bị đào bới nham nhở và những hố bom trơ trụi… Dân cư ở đây phân bố thưa thớt, hầu hết là những người nghèo đi khai hoang, sống trong các nhà tạm lợp tôn nằm rải rác trên các triền đất pha cát. Cuộc sống của bộ đội lúc đó cũng vô cùng thiếu thốn không hơn gì những người dân nghèo ở đây, thế nhưng những ngày ở Hải Lăng, ai cũng cảm thấy vui và ấm áp vì được sống và sinh hoạt cùng với dân.

Tôi và anh Trung “già” được phân công ở nhà chị Mơ. Chị Mơ là y tá Bệnh viện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có cô cháu gái tên Đào đẹp nhất xã Hải Ba thời đó. Những buổi tối mưa dầm dề, nhóm chiến sỹ chúng tôi gồm Trương Trung Lâm, Ngô Đức Chiến, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Văn Doanh, Nguyễn Khánh Cường, Trần Cao Vân, Hoàng Mạnh Cường, Trần Văn Tâm, Trần Hiền, (Hiền toét), Tuấn “trắng”,  Trung “già”, Trung “con”… cùng quê Hà Nội, lại gần nhà nhau nên thường tụ tập đến đây đốt lửa nướng sắn, rang ngô, kể chuyện trên trời dưới biển rồi cùng nhau cười rôm rả. Chất lính hồn nhiên vô tư đã làm cho chúng tôi quên đi những căng thẳng, mệt mỏi, vất vả hàng ngày trên bãi mìn và cảm thấy yêu đời hơn.

Sau này, tôi và Đại tá Đào Văn Sử, Trưởng đại diện Báo Quân đội phía Nam (lúc đó là Tiểu đội phó Tiểu đội 14) gặp nhau. Anh Sử tâm sự: “Cho dù sau này có biết bao sự kiện đáng nhớ đi qua cuộc đời mình, nhưng không ai có thể quên được những ký ức ngày ấy… Đó là những năm tháng gian lao, vất vả, đổ máu, hy sinh mà vẫn hồn nhiên vui tươi trong sáng đến lạ kỳ. Có những điều khó có thể cắt nghĩa được, ngay cả những người trong cuộc cũng không sao giải thích nổi…”.

Tối 30 Tết năm 1976, đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ hái hoa dân chủ và giao lưu với thanh niên trai gái trong làng rất vui. Không khí đón Tết cổ truyền náo nức, nhưng thật đáng tiếc, tối hôm ấy, hàng Tết, bánh mứt, kẹo và nhu yếu phẩm của anh em trong đơn vị không về kịp.  

Sáng sớm mùng một Tết, anh Thắng (Chính trị viên) cùng cả đoàn 5 người mới thất thểu khiêng hàng về. Giải thích về sự chậm trễ này, Tiểu đội trưởng Ngô Văn Chấn kể lại: “Cả đoàn gồm anh Thắng, anh Chấn, hai đồng chí quân nhu, tiếp phẩm và y tá Nguyễn Hồng Kỳ đi lĩnh hàng Tết tại Tỉnh đội Quảng Trị, nhưng do không bố trí được xe nên cả đoàn quyết định đi bộ về đơn vị. Đường xa, trời tối, nên các anh đi tắt để về đơn vị kịp đón giao thừa, không ngờ lạc vào bãi mìn... Khi rời đường lộ khoảng 500m, bỗng anh Thắng hô: “Đứng im. Không ai được di chuyển. Hình như chúng ta đi lạc vào bãi mìn”.

Tất cả dừng lại lo lắng. Lúc đó, anh Chấn ngồi xuống sờ tay kiểm tra xung quanh và hoảng hốt kêu lên: “Đúng rồi, tôi sờ thấy 3 râu tôm”. Cả đoàn đứng im, thẫn thờ, rồi hội ý chớp nhoáng. Anh Chấn được giao nhiệm vụ dò mìn, mở đường. Trời tối không có thuốn dò mìn nên anh Chấn phải dùng một đoạn dây thép kết hợp với dùng tay, dò tìm mở đường ra. Cả đoàn 5 người thành hàng một, người đi sau bước lên vết chân của người đi trước, cứ thế dò dẫm suốt đêm, tới 4h sáng, mọi người mới ra được đường lộ, về đơn vị.

Gần 1 năm lăn lộn trên khắp các bãi mìn, đơn vị tôi chưa hề xảy ra thương vong, nhưng đến tháng 3/1976, Tuấn “trắng” (chiến sỹ A13), người đầu tiên giẫm phải mìn hộp zíp bị cụt một chân. Tiếp đó, tháng 5/1976, trong lúc đang cắm cúi dò gỡ mìn trên bãi, tôi bỗng nghe một tiếng nổ đinh tai từ phía sau lưng. Trương Trung Lâm (chiến sỹ A13) hy sinh khi vừa tròn 19 tuổi.

Cái chết của Lâm không làm chúng tôi chùn bước. Mồ hôi của những người lính công binh vẫn lặng lẽ rơi trên từng mét đất và có cả máu của các chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Chúng tôi vẫn tiếp tục tiến về phía trước, nơi có những bãi mìn dày đặc tiềm ẩn bao mối hiểm nguy và phía sau lưng, mầm sống cũng đang bật lên từ những vạt rẫy, mảnh vườn một thời hoang hóa. Cuộc sống nơi đây đang hồi sinh mãnh liệt…  

Đầu tháng 8/1976, tôi được chỉ huy thông báo đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị lên đường ra Bắc. Thời gian gấp nên chúng tôi chỉ có nửa ngày để gặp gỡ chia tay bà con trong thôn. Tôi hớn hở về nhà khoe với chị Mơ và Đào về việc mình sắp được ra Hà Nội thăm nhà. Chị Mơ cười hể hả. Đào rủ tôi ra thị xã Đông Hà chụp hình kỷ niệm.

Hai đứa chúng tôi ra đến thị xã Đông Hà lúc trời gần tối. Không may cho chúng tôi hôm đó, các tiệm chụp hình đều đóng cửa. Chúng tôi đành phải quay về. Buổi tối, con đường từ Đông Hà về xã Hải Ba vắng hoe, lác đác vài người qua lại. Mưa nặng hạt, tôi và Đào phải tạm lánh vào một cái lán ven đường trú mưa. Cơn mưa cuối mùa nồng nàn mùi đất.

Chúng tôi đứng sát vào nhau và lần đầu tiên tôi bắt gặp cái nhìn của Đào thật lạ. Tôi nắm chặt tay và kéo Đào lại sát vào người tôi. Hơi nóng từ cơ thể một người con gái truyền sang người tôi nóng hổi. Đào lúng túng gỡ nhẹ tay tôi, mặt đỏ nhừ,  từ từ ngước lên nhìn tôi ngượng ngập…

 Tôi cùng các chiến sỹ lên xe ô tô ra Bắc vào một ngày đầu thu tháng Tám, nắng vàng hoe. Xung quanh là bà con xóm ấp đưa tiễn. Nước mắt lẫn trong nụ cười làm chúng  tôi lúng túng bịn rịn. Tôi nắm chặt tay chị Mơ và Đào, định nói một câu gì đó rồi lại thôi…

Đoàn xe chuyển bánh, bỏ lại sau lưng những mảnh vườn cây xanh đang đâm chồi nảy lộc… như khát vọng của những người dân nơi đây về một cuộc sống no ấm, hòa bình. Bởi hơn ai hết, họ đã từng nếm trải và hiểu quá rõ cái giá phải trả cho một cuộc chiến tranh.

Đến nay, đã 43 năm trôi qua, cuộc sống biết bao đổi thay, những người lính công binh ngày đó nay mái đầu đã điểm bạc, nhưng không ai quên được những kỷ niệm ngày ấy… Đó là quãng đời đẹp nhất, đáng nhớ nhất, bởi chúng tôi đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

ĐÀO QUỐC THỊNH