Điểm cộng: Đề thi khách quan

Tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017 mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được tổ chức thành công, những mục tiêu đổi mới thi, tuyển sinh cơ bản đã đạt được”.

Theo đó, có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi; huy động gần 90.000 cán bộ tham gia, trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016 (năm 2016 có 60.000 cán bộ, giảng viên tham gia).

Năm nay, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao (chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi); đặc biệt có 514.084 (59.32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử (từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký).

Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Những dấu ấn - Hình 1

Thí sinh được gọi vào phòng thi

Tỷ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (Ngữ văn 99.53%; Toán 99,43%; Vật lý 99.49%; Hóa học 99.47%; Sinh học 99.63%; Ngoại Ngữ 99.60%; Lịch sử 99.34%; Địa lý 99.40%; GDCD 99.62%).

Kỳ thi quốc gia 2017 - là năm đầu tiên các sở GD&ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu để thí sinh dự thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Trước đây, kỳ thi được tổ chức trong 4 ngày, nay rút xuống còn 2,5 ngày. Các điểm thi được tổ chức tại các trường và liên trường phổ thông của tỉnh. Từ 4 đợt thi trước đây, nay chỉ còn 1 đợt thi duy nhất.

Thứ trưởng Ga cho biết, để hỗ trợ các địa phương, Bộ GD&ĐT điều động mỗi phòng thi đều có 1 cán bộ, giảng viên trường ĐH, CĐ làm công tác coi thi cùng với một giáo viên THPT/GDTX tại địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa địa phương và các trường ĐH, CĐ là yếu tố quan trọng quyết định độ tin cậy của kết quả kỳ thi.

Nhắc đến kỳ thi 2017, nhiều ý kiến cho rằng, điểm cộng đầu tiên là đề thi khách quan. Trong kỳ thi, đề thi gốc được bàn giao cho các cơ sở in sao sớm hơn mọi năm. Các sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác đề thi tại địa phương, thực hiện chặt chẽ quy trình in sao đề thi để đảm bảo đủ số lượng đề thi với chất lượng tốt nhất, đảm bảo tuyệt đối an toàn, bảo mật trong các khâu in sao, vận chuyển, lưu giữ, sử dụng đề thi tại các điểm thi hội đồng thi của địa phương.

Nội dung trong đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12, gồm khoảng 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao để phân loại và được sắp xếp từ dễ đến khó. Theo đó, đề thi năm nay được đánh giá là bám sát chương trình, vừa sức, tạo tâm lý thoải mái, hứng thú, sáng tạo cho thí sinh khi làm bài thi, đáp ứng được 2 mục tiêu của kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.

Thứ trưởng Ga cho rằng, việc thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao hơn bài thi Khoa học tự nhiên là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức từ thi theo môn sang thi theo bài, từ chủ yếu tự luận sang hầu hết trắc nghiệm. Điều này, đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy học, góp phần khắc phục dần tình trạng học lệch, dạy tủ, học tủ hay cắt xén chương trình; làm cho các môn khoa học xã hội trở nên gần gũi hơn đối với thí sinh, được thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi.

Điểm trừ: Tồn tại bất cập

Bên cạnh những điểm cộng, kỳ thi THPT quốc gia 2017 cũng bộc lộ một số điểm trừ.

Thứ nhất, đề thi Vật lý có tới 7 mã đề bị lỗi kỹ thuật mất chữ trong khi sao in và phải đính chính. Mặc dù, Bộ GD&ĐT đã kịp thời phát hiện lỗi kỹ thuật mất chữ ở 7 mã đề trước khi phát đề cho thí sinh, Ban soạn thảo đề thi đã gửi kèm đính chính và hướng dẫn cho cán bộ coi thi, thí sinh khi gửi kèm đề thi, nhưng tâm lý của thí sinh vẫn lo lắng.

Thứ hai, đề thi Ngữ văn, dư luận cho rằng phần đọc hiểu chưa chuẩn và chưa thể hiện tính sáng tạo. Mặc dù, Bộ khẳng định, đề thi không có sai sót. Tuy nhiên, từ “thấu cảm” trong câu Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB: Hội Nhà văn, 2017, tr.275) đã gây nhiều tranh cãi. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, đoạn văn trong đề thi thiếu logic, không chặt chẽ và chủ quan.

Thứ ba, nhiều ý kiến phản hồi độ khó của các đề không tương đương nhau. Liên quan đến vấn đề này, Bộ GD&ĐT đã khẳng định, việc xây dựng đề thi trắc nghiệm của kỳ thi năm nay đều được tham khảo ở các nước và nghiên cứu kỹ lưỡng, không thể so sánh về độ khó giữa các câu mà phải tính đến cả đề thi. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến quan ngại, vẫn có thể xảy ra đề thi của thí sinh này dễ hơn đề của thí sinh kia.

Bên cạnh đó, trong 1 buổi thí sinh làm bài thi tổ hợp với 3 môn là khá vất vả. Nhiều thí sinh chia sẻ: “Em khá áp lực với bài thi tổ hợp, bởi sau khi thi môn thứ nhất, chưa kịp “hoàn hồn”, đã thi môn tiếp theo nên mệt mỏi”.

Còn băn khoăn rất lớn về kỳ thi quốc gia năm nay, trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, thí sinh làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Thí sinh phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó, thi môn thành phần tiếp theo. Thí sinh làm các môn thành phần của một bài thi tổ hợp trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm.

Về việc thí sinh làm các môn thành phần của một bài thi tổ hợp trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm, nhiều ý kiến cho rằng không công bằng. Bởi với môn thi thành phần thuộc môn đăng ký ĐH, các thí sinh sẽ tập trung để nhớ và làm thật tốt, còn môn khác chỉ cần làm bài cho qua. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi chung, chất lượng tuyển sinh đầu vào của các trường ĐH, CĐ.

 Hoan Nguyễn