Dân sự hay thương mại?
Như đã thông tin ở bài viết trước, tại 2 vòng tố tụng đầu tiên, vụ án từ tranh chấp thương mại chịu sự điều chỉnh của Luật Thương Mại, tại vòng tố tụng thứ 3 đã được biến thành một vụ kiện đòi tài sản chịu sự điều chỉnh của Luật Dân sự với thời hiệu là “mãi mãi”.
Việc vụ án bị chuyển thành vụ đòi nợ tài sản, thay đổi bản chất vụ kiện, không những dẫn đến vụ án được xác định là vô thời hiệu, mà còn thay đổi hoàn toàn bản chất của vụ án như Luật áp dụng, kết quả vụ kiện, án phí,…
Vậy, tại sao lại có sự thay đổi quá lớn khi xác định nội dung vụ kiện đều thuộc cấp Tòa án nhân dân huyện Bảo Thắng? Tại sao 2 vòng tố tụng trước Tòa này xác định là vụ tranh chấp thương mại hợp đồng, nhưng tại vòng tố tụng thứ 3 cũng chính Tòa này lại xác định là tranh chấp dân sự?.
Lưu ý, nếu tại phiên tòa ngày 20/8/2019, Tòa án nhân dân huyện Bảo Thắng xác định đây là một vụ thương mại như hai vòng tố tụng trước thì kết quả vụ kiện có thể sẽ có lợi cho bị đơn, bởi nếu theo Luật Thương Mại vụ kiện này đã hết thời hiệu khởi kiện, và Công ty Đông Nam Á Lào Cai sẽ không phải chịu bất kỳ chi phí gì.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm mới nhất ngày 20/8/2019, tại TAND huyện Bảo Thắng, cả đại diện VKS và Hội đồng xét xử đều cho rằng đây là một vụ kiện đòi tài sản theo Luật Dân Sự là đúng quy định pháp luật, mặc sự phản đối gay gắt của Luật sư của Công ty Đông Nam Á Lào Cai.
Cụ thể, tại tòa, Luật sư của Công ty Đông Nam Á Lào Cai cho rằng, TAND huyện Bảo Thắng xác định tranh chấp giữa Công ty Bao Bì với ESACO Lào Cai là “Tranh chấp về đòi lại tài sản” và áp dụng Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP là không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành về tố tụng dân sự.
Theo nội dung đơn khởi kiện của Công ty Bao Bì, Công ty Bao Bì yêu cầu ESACO trả cả tiền nợ gốc và tiền lãi. Bênh cạnh đó, trong phần hỏi của phiên tòa, không dưới 03 lần, người đại diện của Công ty Bao Bì và Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty Bao Bì đều khẳng định họ giữ nguyên yêu cầu khởi kiện là đòi cả tiền nợ gốc lẫn tiền lãi. Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng yêu cầu khởi kiện của Công ty Bao Bì đã xác định rõ tranh chấp giữa các bên là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa (do kiện đòi tài sản không bao giờ có yêu cầu tính lãi) giữa 2 pháp nhân với nhau theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
“Vì lẽ đó, việc TAND huyện Bảo Thắng xác định tranh chấp giữa ESACO Lào Cai với Công ty Bao Bì là tranh chấp “kiện đòi tài sản” là không phù hợp với phạm vi đơn khởi kiện của Công ty Bao Bì Khoản 1 Điều 5 BLTTDS 2015 và trái với quy định của Khoản 1 Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015”, Luật sư của Công ty Đông Nam Á Lào Cai nói tại Tòa.
Câu hỏi đặt ra, trong các vòng tố tụng, vòng nào TAND huyện Bảo Thắng xác định đúng và vòng nào xác định sai? Tuy nhiên, thiệt hại có thể thấy rõ cho doanh nghiệp khi phải theo đuổi một vụ kiện lên đến 6 năm nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết.
Trong khi đó, vụ việc ban đầu được xác định là tranh chấp thương mại
Bị đơn đề nghị khởi tố tội “làm giả hồ sơ”?
Trong vụ kiện trên, có thể thấy chứng cứ quan trọng nhất mà nguyên đơn dựa vào để kiện đó chính là văn bản “Xin hoãn nợ”. Tuy nhiên, phía bị đơn Công ty Đông Nam Á khẳng định Công ty Bao bì đã đưa ra chứng cứ giả mạo để đòi nợ nhằm trục lợi và đánh hại uy tín Cty Đông Nam Á.
Văn bản “Xin hoãn nợ” được nhiều đơn vị giám định hình sự khác vào cuộc nhưng không đơn vị nào kết luận được tính xác thực của văn bản, ngoại trừ Phân viện khoa học hình sự TP. HCM khẳng định nó là khống và chưa bao giờ rút lại kết luận này.
Đã 6 năm, trải qua 2 vòng tố tụng (với 5 lần xét xử, 2 lần tuyên hủy toàn bộ bản án) các bên đương sự và các cơ quan tố tụng phải theo đuổi giải quyết vụ án mà chưa có hồi kết, nguyên nhân bởi hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng của TAND Bảo Thắng dẫn tới thay đổi bản chất vụ án. Trong đó phải kể đến việc thu thập chứng cứ, đánh giá toàn diện chứng của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng.
Ngoài ra, suốt từ quãng năm 2008 đến 2013 - thời điểm khởi kiện, thì Công ty Bao bì có đề nghị Công ty Đông Nam Á trả nợ không? Việc đòi nợ thể hiện ở công văn nào, cuộc làm việc nào giữa hai bên? Nếu đã đồng ý để cho Công ty Đông Nam Á khất nợ thì tại sao Cty Bao bì còn đi đòi nợ? Và nếu còn nợ thì tại sao lại thống nhất với Công ty Đông Nam Á ký Biên bản thanh lý Hợp đồng 66?
Tại các phiên tòa, và đặc biệt tại cấp sơ thẩm, Văn bản xin hoãn thời gian trả nợ đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là văn bản bị đóng dấu khống chỉ. Trong vụ án này, TAND huyện Bảo Thắng đã 05 lần yêu cầu giám định Văn bản hoãn thời gian trả nợ. Trong 05 lần yêu cầu giám định đó, có 01 Công văn và 02 Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an và 01 Kết luận giám định của Phòng Giám định KTHS Bộ Quốc phòng[1]đều có kết quả trả lời là không giám định được tài liệu hoặc không xác định được nội dung tài liệu này có phải khống chỉ hay không.
Văn bản “Xin hoãn nợ” nói trên là khống chỉ, tức giả mạo
Chỉ riêng kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh (Kết luận giám định số 118/C54B ngày 10/02/2015 (Bút lục số 436 – 439)) đã kết luận: “… 5.4. Hình dấu tròn có nội dung: “Công ty TNHH Đông Nam Á Lào Cai” trên Công văn V/v: “Hoãn thời gian trả nợ đến 30/09/2011” đề: “Kính gửi: Công ty TNHHSX và XNK Bao Bì” ghi ngày 15 tháng 02 năm 2010 (ký hiệu A) là hình dấu được đóng khống chỉ (đóng dấu trước ngày 15 tháng 02 năm 2010). Thời gian đóng dấu khống chỉ được xác định trong khoảng từ ngày 24 tháng 9 năm 2009 trở về trước đến ngày 01 tháng 8 năm 2008”.
Về văn bản này, tòa án Cấp cao tại Hà Nội nhận định, từ năm 2009-2010, hai công ty này còn nhiều giao dịch mua bán với số lượng lớn thùng phuy, và đều được phía Đông Nam Á trả tiền thanh toán đầy đủ. Như vậy vụ “khất nợ” này từ hợp đồng 2008 là không phù hợp với thực tế.
Theo đánh giá của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty Đông Nam Á và nhận định của HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Lào Cai, thì văn bản khất nợ không có giá trị pháp lý, do đó dẫn tới việc tòa cấp sơ thẩm xác định sai thời hiệu khởi kiện (tháng 9/2013) - tức là vụ kiện đã hết thời hiệu nhưng vẫn được tòa thụ lý. Thậm chí, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Công ty Đông Nam Á cho rằng, vụ án cũng cần phải được đình chỉ vì cũng đã có dấu hiệu của việc hết thời hiệu.
Đáng chú ý, tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, đại diện Công ty Đông Nam Á cho rằng văn bản khất nợ đã có dấu hiệu của hành vi hình sự khi Phân viện khoa học hình sự TP HCM khẳng định văn bản “Xin hoãn nợ” nói trên là khống chỉ, tức giả mạo, và đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc.
Được biết, gần đây Công an tỉnh Lào Cai đã thụ lý chi tiết này khi nhận đơn tố cáo của Cty Đông Nam Á về sự giả mạo văn bản “Xin hoãn nợ”.
Công ty Đông Nam Á cho biết đã bị thiệt hại nặng nề từ vụ kiện “vô tiền khoáng hậu” này, số tiền thiệt hại do mất uy tín lên đến hàng chục tỷ đồng, công việc sản xuất và kinh doanh ngưng trệ, công nhân bất an tâm lý, lãnh đạo Công ty mỏi mệt theo đuổi kiện tụng…
Hy vọng một phiên tòa sắp tới sẽ hoàn toàn khách quan với đầy đủ chứng cứ cần thiết để ra được một bản án công tâm, đúng với bản chất vụ án và khép lại một hành trình dài năm lao lý cho cả hai bên đương sự.
Thanh Trang