Chất lượng có đi đôi với giá thành?
Thương hiệu Lurcinn của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ LaSa (Cty LaSa) được giới thiệu lấy chất lượng sản phẩm làm nòng cốt, đồng hành và làm việc là ban cố vấn chuyên môn đầu ngành, cùng đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa chuyên nghiên cứu, hoạt chất, công thức để tạo ra sản phẩm mỹ phẩm tốt nhất.
Nhưng mới đây, tòa soạn Thương hiệu và Công luận có nhận được một số thông tin bạn đọc phản ánh về chất lượng sản phẩm cũng như quá trình kinh doanh, tham gia làm đại lý của đơn vị có thông tin trái chiều.
Theo như bảng giá chiết khấu phía công ty gửi cho các thành viên trong Lurcinn nếu nhập vốn hàng là 34 triệu đồng thì doanh số tổng là 60 triệu đồng (chiết khẩu 42%, lãi suất bằng 26 triệu – tương đương chức vụ nhà phân phối); nhưng nếu nhập số tiền là 1 tỷ đồng thì doanh số thực là 2 tỷ 500 triệu đồng (chiết khẩu 60%, lãi suất bằng 1 tỷ 500 triệu – tương đương chức vụ giám đốc khu vực); tương tự nếu là giám đốc điều hành thì vốn nhập có khả năng được chiết khấu lên đến 68% giá trị và song với đó là những mức thưởng khiến rất nhiều người ao ước có được.
Mỗi sản phẩm đều được niêm yết giá bán sản phẩm công khai lớn gấp nhiều lần so với giá bán buôn và được thưởng số tiền cực lớn, khiến nhiều “đại lý” bị thu hút và dễ đầu tư vào món hàng béo bở này.
Từ những sự hào nhoáng, tung hô của những người bán hàng khiến cho nhiều “con buôn”, khách hàng lại lao đầu vào hệ thống này.
Ở một diễn biến khác, thời gian qua sản phẩm mỹ phẩm nám Meladi Professionel của thương hiệu Lurcin cũng đang vướng vào nghi vấn chứa chất cấm Cortisone, một loại chất nguy hại đã được Bộ y tế cấm sử dụng trong mỹ phẩm.
Cụ thể, theo tài liệu phóng viên có được, một khách hàng mua bộ sản phẩm nám của Lurcinn Meladi Professionel với giá hơn 6 triệu đồng và được tặng kèm theo một sản phẩm Meladi special treatmet (sản phẩm bóc tách nám – đại lý cho biết) với giá trị hơn 3 triệu đồng.
Sau khi dùng sản phẩm khách hàng thấy da mặt nóng đỏ, rân rân khó chịu nên đã đi khám và mang sản phẩm đi xét nghiệm.
Sản phẩm khách hàng mua tại đại lý có facebook là Ha Tin và Hien Nguyen, được biết cả hai đều thuộc hệ thống mỹ phẩm thương hiệu Lurcinn.
Mặc dù, kết quả kiểm nghiệm trên chỉ có giá trị với mẫu kiểm nghiệm, tuy nhiên cũng đặt ra câu hỏi nghi vấn về chất lượng thật của các sản phẩm mang thương hiệu Lurcinn trên thị trường có chứa hàm lượng chất “gây hại” như mẫu đã kiểm nghiệm hay không?
Để có câu trả lời khách quan và chính xác nhất, đề nghị Sở Y tế Hà Nội cùng các cơ quan hữu quan cần sớm vào cuộc xác minh, làm rõ. Trong trường hợp, sản phẩm trên có chứa chất Cortisone, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra cảnh báo để người tiêu dùng tránh “tiền mất, tật mang”.
Để có cái nhìn khách quan hơn về sản phẩm mỹ phẩm Lurcinn do Cty LaSa – đơn vị chịu trách nhiệm phân phối các sản phẩm nêu trên, PV đã lần tìm theo địa chỉ được đăng ký trên website là số 9, ngách 16, ngõ 77, phố 8/3, Phường Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, tuy nhiên phóng viên không khỏi ngỡ ngàng, khi địa chỉ trên luôn cửa đóng then cài và theo một số người dân tại đây cho biết, đây là địa chỉ cho thuê, không có công ty nào ở đây và rất lâu rồi chưa thấy mở cửa.
Cũng từ đây, mối quan hệ “rắc rối” trong hệ thống phân phối sản phẩm của mỹ phẩm Lurcinn đã đặt ra cho phóng viên nhiều câu hỏi. Ai là người đứng sau hệ thống “ma trận” kinh doanh này? Mỹ phẩm Lurcinn luôn được quảng cáo từ thiên nhiên, nhập khẩu nguyên liệu 100% từ nước ngoài này thực chất là gì?
Để rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ với bà Nguyễn Thị Lành được giới thiệu là CEO/ FOUNDER LURCINN -BOSS XÂY DỰNG HỆ THỐNG của sản phẩm Lurcinn thuộc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ LaSa, trao đổi qua điện thoại bà Lành cho biết bản thân chỉ là đại lý, phân phối sản phẩm bên công ty. Còn giám đốc thì tự phóng viên liên hệ…
"Bán hàng thì mình làm hình ảnh, mình được bạn ấy (giám đốc tên Nguyễn Thanh Hương) bổ nhiệm làm founder. Bên nhà mình thì toàn bổ nhiệm phó tổng giám đốc, giám đốc... làm hình ảnh để bán được hàng, tuyển đại lý thôi".
Mới đây vào ngày 18/11/2022, Sở Y tế Hà Nội cũng ra công văn số 2110/QĐ-SYT về việc thu hồi 04 số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ LaSa, cụ thể:
Mỹ phẩm Prevent Acne số công bố 13037/22/CBMP-HN; mỹ phẩm Prevent Acne Professionl số công bố 13038/22/CBMP-HN; Mỹ phẩm Bright No1 số công bố 13039/22/CBMP-HN; mỹ phẩm Shining Hex Professionl số công bố 13913/22/CBMP-HN tất cả đều mang nhãn hiệu Lurcinn. Lý do thu hồi, công ty sản xuất (công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Hunel) có công văn báo cáo ngừng ủy quyền, không sản xuất cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Lasa.
Trả lời nhanh với báo chí, ông Nguyễn Hữu Duy, đại diện pháp luật công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Hunel khẳng định: “Nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang thương hiệu Lurcinn đang được chào bán trên thị trường là hàng giả, không phải là sản phẩm do nhà máy Hunel sản xuất”.
Ông Duy cho biết thêm: “Bên Cty Lasa có nhờ chúng tôi xin công bố trên Sở Y tế Thành phố Hà Nội, có bảo với chúng tôi là xin công bố rồi họ sẽ sản xuất, nhưng thực tế là họ không quay lại sản xuất lô nào cả, cũng không trả lời lại, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chúng tôi vì nếu họ đưa những sản phẩm trôi nổi có chất cấm để làm hàng giả thì bên tôi rất quan ngại vấn đề đó vì điều đó ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi”.
Sự thật về chất lượng đằng sau sản phẩm mang thương hiệu Lurcin này là gì?
Ngay cả cơ quan báo chí còn khó liên hệ với người chịu trách nhiệm về sản phẩm, vậy nếu xảy ra vấn đề với sức khỏe thì khách hàng biết đi đâu để kêu?
Chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với cơ quan chức năng cùng đại diện Cty LaSa để làm rõ vấn đề này tới bạn đọc.
Về những vấn đề nêu trên, Cty LaSa sẽ giải thích với khách hàng như thế nào?
Sở Y tế Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ nói gì và xử lý như thế nào nếu có sai phạm ở Công ty này?
Còn tiếp……..
Trang Nguyễn