Chỉ số cảm tính kinh tế của Trung tâm kinh tế Châu Âu (ZEW) - một chỉ số quan trọng đánh giá kỳ vọng của các chuyên gia tài chính, đã "rơi tự do" từ 41,8 điểm vào tháng Bảy xuống chỉ còn 19,2 điểm vào tháng Tám.
Tâm lý thất vọng, phản ánh sự bi quan ngày càng tăng về triển vọng nền kinh tế đầu tàu Châu Âu và làm nổi bật những lo ngại rộng hơn đối với cả Khu vực đồng Euro.
Sự suy giảm tâm lý quá bất ngờ này, không chỉ thấp hơn so với kỳ vọng của thị trường là chỉ xuống 32 điểm, mà đã đánh dấu sự suy giảm hàng tháng mạnh nhất, kể từ tháng 7/2022.
Tâm lý kinh tế của Eurozone cũng xấu đi trông thấy, với chỉ số tương ứng giảm từ 43,7 xuống chỉ 17,9 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng Hai và thấp hơn nhiều so với mức dự kiến là 35,4 điểm. Mức giảm 25,8 điểm thể hiện sự suy giảm hàng tháng nghiêm trọng nhất về tinh thần kinh tế của khối kể từ tháng 4/2020.
Đánh giá về tình hình kinh tế hiện tại của Đức cũng trở nên tồi tệ hơn, với chỉ số liên quan giảm 8,4 điểm xuống mức âm - 77,3 điểm. Tuy nhiên, chỉ số tình hình kinh tế Eurozone cho thấy sự cải thiện nhẹ, tăng 3,7 điểm lên mức - 32,4 điểm.
Nền kinh tế dẫn đầu Châu Âu đã phải đối mặt với một loạt thách thức, làm lung lay đà phục hồi vốn đã yếu ớt của nước này vào năm 2024. Sự chậm lại trong thương mại toàn cầu, trầm trọng hơn do nhu cầu suy yếu ở các thị trường chính như: Trung Quốc, đã gây sức ép nặng nề lên nền kinh tế xuất khẩu của Đức.
"Triển vọng kinh tế Đức đang sụp đổ. Trong cuộc khảo sát hiện tại, chúng tôi thấy kỳ vọng kinh tế đã giảm mạnh nhất trong hai năm qua", GS. TS. Achim Wambach, Chủ tịch ZEW cho biết về kết quả khảo sát. Ông Wambach nhấn mạnh, sự bất ổn đang diễn ra, do chính sách tiền tệ mơ hồ, dữ liệu kinh doanh đáng thất vọng và ở bên ngoài, căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng góp phần làm tâm lý bất ổn.
"Gần đây nhất, sự bất ổn còn thể hiện qua sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán quốc tế", ông nói thêm. Cuộc khảo sát của ZEW chỉ ra, tâm lý xấu đi có thể thấy ngay trên các chỉ số thị trường chứng khoán quan trọng, tinh thần của các chuyên gia trong DAX và STOXX 50 giảm lần lượt 6,5 và 4,6 điểm.
Các nhà phân tích thị trường tài chính cũng chuyển sang bi quan về đồng USD, dự đoán, sự suy yếu của nền kinh tế và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sẽ tiếp tục gây áp lực lên đồng bạc xanh. Chỉ số tâm lý về sức mạnh của đồng USD so với đồng Euro đã giảm 24,2 điểm so với tháng trước xuống mức -7,9 điểm.
Xét theo ngành, tâm lý đã giảm ở hầu hết các ngành chủ chốt. Sự sụt giảm đáng kể nhất được ghi nhận ở các ngành nhạy cảm về kinh tế như bán lẻ và hàng tiêu dùng, giảm 24,2 điểm, phản ánh mối lo ngại về nhu cầu tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh lạm phát cao và lãi suất tăng. Các ngành khác cũng sụt giảm mạnh bao gồm điện tử, giảm 18,1 điểm, hóa chất và dược phẩm, giảm 17,2 điểm.
Đây là lần thứ hai trong 1/4 thế kỷ trở lại đây, Đức bị gọi là “kẻ ốm yếu của Châu Âu”. Theo đó, hiện Đức vẫn là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, nhưng lại là một trong những nền kinh tế đuối sức nhất khu vực.
Ngành sản xuất Đức phụ thuộc lớn vào thương mại toàn cầu. Kinh tế Đức có mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu lớn hơn so với các quốc gia phát triển khác, hoạt động sản xuất công nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đặc biệt ngành sản xuất mũi nhọn (ô tô) của nước này đã trở nên phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc và chậm thích nghi với sự gia tăng của nhu cầu ô tô điện.
Trong thời gian ngắn, đầu tàu Châu Âu liên tiếp gặp gió ngược, thương mại toàn cầu suy yếu, tăng trưởng của Trung Quốc gặp khó khăn, đồng thời mất đi nguồn cung năng lượng giá rẻ từ Nga do xung đột Nga-Ukraine.
Phân tích tình hình, chuyên gia Tim Wollmershauser, Trưởng bộ phận dự báo của Viện Ifo - một tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Đức, nhận định: “Với tư cách một địa chỉ kinh doanh, Đức đã giảm sức cạnh tranh trong những năm gần đây. Ngoài giá năng lượng tăng cao, một số yếu tố khác đã dẫn tới tình trạng này, bao gồm gánh nặng thuế cao không thay đổi, chi phí hành chính gia tăng, tiến trình số hoá chậm chạp và tình trạng thiếu lao động có kỹ năng cao ngày càng trầm trọng...
Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng hoá công nghiệp Đức được cho là sẽ suy yếu vĩnh viễn vì nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dịch chuyển theo hướng tăng cường vai trò của các ngành sản xuất trong nước. Còn hệ quả của việc phụ thuộc quá mức vào khí đốt Nga đã trở nên rõ ràng trong 2 năm qua, làm lộ “gót Asin” của mô hình tăng trưởng Đức.
Các thành viên chủ chốt của EU đang theo dõi chặt chẽ mọi thứ diễn ra ở Berlin. Hiện tại, triển vọng không hề hứa hẹn. Công ty tư vấn BCA Research tin rằng, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Đức có thể kéo Khu vực đồng Euro đi xuống hoặc có tác động lan truyền đến các nền kinh tế khác, chẳng hạn như Pháp hoặc Italy.
Động lực tăng trưởng toàn cầu cầu trong 12 tháng qua dường như bỏ qua Châu Âu. Khu vực này đang phải vật lộn với hậu quả của giá năng lượng cao, lãi suất cao để kiểm soát lạm phát và niềm tin tiêu dùng yếu kém.
Trong một số liệu công bố mới nhất, kinh tế Eurozone đang tiến triển chậm chạp nhưng dần ổn định. Tuy nhiên, điều này không đúng với Đức. Trong đó, so sánh 4 nền kinh tế lớn nhất Eurozone cũng đã cho thấy sự khác biệt rõ ràng. Nền kinh tế ở Tây Ban Nha tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ, với GDP tăng 0,8%, nền kinh tế Pháp tăng trưởng 0,3% và Italy 0,2%. Ngược lại, nền kinh tế Đức suy giảm, với GDP -0,1%.
Nguồn Euronews