Ngày 12/12/2022, TH&CL đã đăng tải bài viết, phản ánh, tại Kim Ngân Mart (thôn Câu Trung, xã Quang Hưng, huyện An Lão, Hải Phòng), xuất hiện nhiều hàng hóa 100% chữ nước ngoài, không có nhãn phụ Tiếng Việt, nhiều sản phẩm ăn vặt “trắng thông tin” - có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bài viết nhận được sự quan tâm của đông đảo quý bạn đọc, người tiêu dùng.
Kim Ngân Mart có diện tích khá lớn, là điểm kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng hút khách, được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, Kim Ngân Mart liên tục bị người tiêu dùng phản ánh bày bán hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, hàng hóa ghi ngờ làm nhái, giả nhãn hiệu...
Theo nguồn tin riêng của PV, sau khi TH&CL đăng tải bài viết, phía cơ quan chức năng đã đến làm việc với cơ sở kinh doanh Kim Ngân Mart. Những tưởng, sau khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng tại Hải Phòng, tình trạng hàng hóa tại Kim Ngân Mart sẽ được cải thiện, chủ cơ sở kinh doanh sẽ tuân thủ quy định của pháp luật, tôn trọng quyền lợi người tiêu dùng. Thế nhưng, Kim Ngân Mart vẫn tiếp tục bị người tiêu dùng “tố” chưa có gì thay đổi?
Đầu tháng 4/2023, theo ghi nhận của PV THCL tại Kim Ngân Mart, khá nhiều sản phẩm 100% chữ nước ngoài, được dán nhãn phụ bằng Tiếng Việt. Bên cạnh đó, trên giá kệ bày bán của Kim Ngân Mart, vẫn xuất hiện các mặt hàng có nhãn 100% chữ nước ngoài, nhưng không có thông tin bằng Tiếng Việt, khiến người mua lúng túng về thành phần, công dụng, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng… của sản phẩm.
Cụ thể: khu vực tầng 1 của Kim Ngân Mart, phục vụ các mặt hàng về hóa - mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, các loại nước uống, đồ gia dụng gia đình... vô cùng phong phú, đa dạng. Khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều sản phẩm không phải “made in Vietnam” - bày bán theo khu vực phân bổ các nhóm mặt hàng tại Kim Ngân Mart.
Theo quan sát của PV tại cửa hàng, nhiều sản phẩm như sữa tắm, chữ Hàn (On the body) loại 875ml có giá 165k, sữa tắm Coat care loại 532ml có giá 135k, sữa tắm gội toàn thân Loreal men expert loại 300ml có giá 110k, sản phẩm không biết đó là gì mang tên AXE Black night, kem đánh răng có nhãn chữ Hàn Quốc, Nhật Bản, Tiếng Anh, sữa rửa mặt nhãn gốc tiếng Nhật, bộ sản phẩm dầu gội Pantene Pro-v, chất tẩy rửa vệ sinh, nước giặt quần áo... vô số các loại hóa phẩm này đều không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, trong khi nhãn gốc có 100% chữ nước ngoài (?!).
Thành phần, công dụng, cách dùng… của các sản phẩm, chỉ được người mua phỏng đoán qua hình ảnh thể hiện. Tại khu vực hóa phẩm của Kim Ngân Mart, có rất nhiều sản phẩm 100% nhãn bằng tiếng nước ngoài được bày bán, điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, vì không thể đọc được nhãn mác.
Tại Kim Ngân Mart, cũng xuất hiện nhiều đồ uống đóng chai, đóng lon sẵn không rõ nguồn gốc, các loại hạt ngũ cốc chỉ có chữ nước ngoài trên bao bì, đồ ăn vặt như xúc xích bi, cánh gà cay có nhãn 100% chữ Trung Quốc. Không chỉ có vậy, tại Kim Ngân Mart, còn xuất hiện sản phẩm trắng thông tin như nước mắm, mộc nhĩ, trên bao bì chỉ có mã vạch tính tiền và tên của cửa hàng.
Theo thông tin từ nhân viên bán hàng tại Kim Ngân Mart, sản phẩm nước mắm trắng, được lấy của người quen, nhà họ tự sản xuất và cam kết với khách hàng đây là sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5107 năm 2018 về nước mắm, phải tuân thủ những quy định về kỹ thuật, nguyên liệu, cảm quan, quy định bao gói, ghi nhãn, bảo quản...; phải có đầy đủ các tiêu chuẩn về nguyên liệu làm nước mắm như cá tươi đảm bảo an toàn dùng làm thực phẩm, muối (theo tiêu chuẩn TCVN 3974:2015), đường (TCVN 7968:2008), nước (đáp ứng yêu cầu về nước dùng trong chế biến thực phẩm theo quy định hiện hành), chượp chín (TCVN 8336:2010). Yêu cầu về cảm quan qua các tiêu chí như màu sắc, độ trong, mùi, vị, không được có tạp chất nhìn thấy bằng mắt thường.
Khi các sản phẩm mắm bao gói sẵn để bán lẻ, yêu cầu phải ghi tên sản phẩm là “nước mắm nguyên chất” hoặc “nước mắm”, phải ghi thành phần chế biến, phải ghi chỉ tiêu chất lượng về hàm lượng nitơ và nitơ axit amin. Phải có dấu hiệu để nhận biết lô hàng mỗi đợt sản xuất, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu, hướng dẫn bảo quản...
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại nước mắm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có thành phần, bị nghi ngờ được sản xuất từ các chất hóa học (chất tạo màu, tạo mùi, tạo vị khiến người tiêu dùng có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng).
Tại tầng 2 Kim Ngân Mart, bày bán chủ yếu là sản phẩm thời trang như quần áo, giầy dép, ba lo, túi xách, mũ, phụ kiện... Trong đó, có nhiều sản phẩm thời trang mang nhãn hiệu Nike, Adidas, Gucci, Dior, Chanel, Puma... với giá bán rất rẻ, chỉ từ vài chục nghìn đồng. Quần áo có nhãn 100% chữ nước ngoài, nhưng lại không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, bị nghi ngờ đây chính là các sản phẩm nhập lậu, hàng nhái nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về bản quyền được bảo hộ tại Việt Nam.
Nhiều sản phẩm như đồ chơi trẻ em, có 100% nhãn nước ngoài, nhưng không có tem an toàn dành cho trẻ em; phụ kiện làm đẹp tóc, thắt lưng, ví cầm tay... đều không có thông tin gì về nhà sản xuất, nhà phân phối hay đơn vị chịu trách nhiệm.
Nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thì mỗi cá nhân, tổ chức, đơn vị phải có ý thức trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, nói không với sản xuất, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Và để thực phẩm, hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ không len lỏi được vào mỗi gia đình, thì chính những cá nhân, tổ chức, đơn vị kinh doanh như Kim Ngân Mart - phải kiên quyết tẩy chay đối với hàng hóa kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ!
Sau gần 4 tháng, khi cơ quan báo chí phản ánh và được lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra, hướng dẫn, nhưng tình trạng kinh doanh hàng hóa trắng thông tin, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tại Kim Ngân Mart.
Đây là thách thức không nhỏ đối với lực lượng quản lý thị thị trường trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, bởi những hành vi cố tình tái phạm, sau khi lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, hướng dẫn.
Để tình trang buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, kinh doanh trái phép, hàng không nguồn gốc xuất xứ, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm… tại Kim Ngân Mart (thôn Câu Trung, xã Quang Hưng, huyện An Lão) chấm dứt, đề nghị lực lượng quản lý thị trường thường cần tiếp tục vào cuộc và có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Điều 13 - Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa là tịch thu tang vật vi phạm, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 1 đến 3 tháng trong trường hợp: Có hành vi vi phạm nhiều lần, hoặc tái phạm đối với chủ hộ kinh doanh và có thể bị phạt tối đa đến 50 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp vi phạm này là buộc tiêu hủy tem, nhãn, bao bì, hàng hóa giả; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 31 - Nghị định 119/2017/NĐ-CP về hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt, sẽ bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng, tùy vào mức độ vi phạm và giá trị hàng hóa vi phạm. Mức phạt theo điều khoản này, sẽ tăng nặng gấp đôi đối với đối tượng vi phạm là tổ chức.
Mai Lương