Sáng 8/4, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao.

Phó Thủ tướng yêu cầu các thành viên Uỷ ban tập trung đánh giá chính xác, toàn diện, khoa học về bệnh lao tại Việt Nam hiện nay; năng lực phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị đã đáp ứng mục tiêu kiểm soát, tiến tới chấm dứt bệnh lao; làm rõ những nguy cơ mới đối với công tác phòng chống bệnh lao như lao kháng thuốc, phát hiện ca nhiễm mới… và đề xuất hướng giải quyết.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế để triển khai điều tra toàn quốc về tình hình bệnh lao trong năm 2025 - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế để triển khai điều tra toàn quốc về tình hình bệnh lao trong năm 2025. Ảnh VGP/Minh Khôi.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, năm 2022 Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao, lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Tình hình dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam còn rất phức tạp, nhất là sau khi kết thúc đại dịch COVID-19. Số bệnh nhân lao được phát hiện, đưa vào điều trị và được báo cáo hằng năm mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân lao ước tính. Tỉ lệ bệnh nhân lao được chữa khỏi hoàn toàn là trên 90%, lao kháng thuốc là 75%.

Đáng chú ý, hiện có khoảng 40% ca lao tiềm ẩn trong cộng đồng chưa được phát hiện, cùng với 2% bệnh nhân lao kháng thuốc, là nguyên nhân lây lan chính trong cộng đồng. Gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn lao.

Hiện nay, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam đang triển khai các can thiệp toàn diện để tăng cường phát hiện sớm, nhất là trong những nhóm có nguy cơ cao (phạm nhân, người cao tuổi, trẻ em, người nhiễm HIV); áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, phác đồ điều trị, thuốc mới nhất.

Lao phổi nếu không điều trị sớm sẽ lan ra ngoài phổi, gây tràn dịch màng phổi, xơ phổi, ho ra máu, thậm chí gây tử vong. Ảnh internet.
Lao phổi nếu không điều trị sớm sẽ lan ra ngoài phổi, gây tràn dịch màng phổi, xơ phổi, ho ra máu, thậm chí gây tử vong. Ảnh internet.

Về một số khó khăn trong công tác phòng, chống lao, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương Đinh Văn Lượng cho biết, 12/63 tỉnh, thành phố chưa có bệnh viện lao và bệnh phổi, dẫn đến thiếu nhân sự chuyên trách để triển khai các can thiệp phòng chống lao. Trong khi đó, mô hình y tế tuyến huyện chưa đồng nhất tại 63 địa phương gây ra các khó khăn khi thực hiện thanh toán thuốc lao và các dịch vụ khám bệnh lao từ bảo hiểm y tế.

Nhận thức của người dân về bệnh lao đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn sai lệch, chưa đầy đủ. Đa số bệnh nhân là người nghèo, còn tồn tại sự kỳ thị và mặc cảm…

GS.TS Trần Văn Sáng, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lao - bệnh phổi, Đại học Y Hà Nội cho rằng, bệnh lao là vấn đề sức khoẻ cộng đồng nên cùng với hệ thống bệnh viện bệnh phổi và bệnh lao, cần có sự tham gia của mọi người dân để chấm dứt căn bệnh này. Theo đó, yêu cầu quan trọng nhất là phát hiện sớm, điều trị ngoại trú tại cơ sở và có mạng lưới giám sát để bệnh nhân lao điều trị khỏi hoàn toàn.

"Đây cũng là lợi thế của Việt Nam khi có mạng lưới phòng chống lao đến tận cơ sở cùng cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ", ông Trần Văn Sáng nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng bệnh lao là vấn đề sức khoẻ cộng đồng cần sự tham gia của toàn xã hội - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Các chuyên gia cho rằng bệnh lao là vấn đề sức khoẻ cộng đồng cần sự tham gia của toàn xã hội. Ảnh VGP/Minh Khôi.

GS.TS Đinh Ngọc Sỹ, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, nếu chỉ tối ưu hóa các hoạt động phòng, chống lao hiện nay, thực hiện bao phủ y tế toàn dân và bảo trợ xã hội, tỉ lệ mắc lao mới sẽ giảm nhưng không thể đạt mục tiêu đặt ra trong kiểm soát, tiến tới chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam.

Theo ông Đinh Ngọc Sỹ, cần phá vỡ "quỹ đạo" dịch tễ thường quy của bệnh lao thông qua đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng đồng bộ vaccine mới, thuốc mới, phác đồ điều trị mới.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ Y tế tiếp tục cập nhật thông tin, số liệu bài bản, hệ thống, chính xác về tình hình bệnh lao tại Việt Nam (tỉ lệ phát hiện ca nhiễm mới, hiệu quả điều trị, số ca tử vong…); khuyến cáo của các tổ chức quốc tế; thực tế huy động nguồn lực từ Nhà nước, xã hội, quốc tế…

Bộ Y tế đánh giá toàn diện, cẩn trọng về kết quả thực hiện các mục tiêu đặt ra cho công tác phòng, chống bệnh lao khi Việt Nam vẫn nằm trong số 30 nước chịu gánh nặng chi phí bệnh lao cao nhất thế giới. Yêu cầu, Bộ Y tế phải chỉ rõ các khó khăn, thách thức, nguy cơ bùng phát và gánh nặng điều trị nếu không có giải pháp kiểm soát và đẩy lùi hữu hiệu bệnh lao.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị y tế để triển khai điều tra toàn quốc về tình hình bệnh lao trong năm 2025; cập nhật, bổ sung tình hình và nhiệm vụ phòng, chống lao để báo cáo, kiến nghị kịp thời với cấp có thẩm quyền các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ xét nghiệm nhanh, đại trà về bệnh lao, cùng các phác đồ điều trị mới nhất, kết hợp với y học cổ truyền; phát triển ứng dụng (app) dành cho bệnh nhân lao…

PV/Chinhphu.vn