Riêng đối với các mặt hàng là dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc,… có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong thời gian gần đây mặt hàng dược phẩm giả, kém chất lượng được các cơ quan chức năng phát hiện có xu hướng tăng mạnh.
Theo Bộ Y Tế, qua các phương tiện thông tin đại chúng, bài viết: “Ủ hóa chất ‘biến’ khoai mì thành đông dược: Đường đi của hoài sơn giả” trên báo điện tử Thanh niên ngày 07/3/2018 phản ánh tình trạng sử dụng lưu huỳnh để ‘hỗ biến’ khoai mì thành hoài sơn giả tại nhiều cơ sở trên tỉnh Đồng Nai và vận chuyển hoài sơn giả nói trên tiêu thụ tại các cửa hàng dược liệu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Quản lý chặt chẽ mặt hàng thuốc, dược liệu. Ảnh: TH
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Y tế đã có công văn số 85/YDCT-QLD gửi Sở Y tế HCM và công văn số 86/YDCT-QLD ngày 09/3/2018 gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về việc yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát và xác minh các thông tin nêu trên và xử lý nghiêm nếu có vi phạm. Ngày 11,12/6/2018, Bộ Y tế đã thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh dược liệu tại trên địa bàn Quận 5 thành phố Hồ Chí Minh (đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Phan Huy Chú…).
Qua kiểm tra cho thấy các cơ sở này đều không trình được hoá đơn mua bán, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của các dược liệu, vị thuốc cổ truyền được bày bán tại cơ sở. Các dược liệu, vị thuốc cổ truyền tại các cơ sở này đều không được bảo quản theo đúng quy định gây mốc, mối, mọt, không có nhãn mác để phân biệt, nhận biết. Dược liệu độc không được bảo quản riêng biệt. Qua đánh giá bằng cảm quan cho thấy rất nhiều dược liệu đang bày bán tại các cơ sở này bị nhầm loài, kém chất lượng. Viện kiểm nghiệm thuốc thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành lấy 39 mẫu để tiến hành kiểm tra chất lượng. Đoàn công tác đã làm việc với Sở Y tế Đồng Nai và tiến hành kiểm tra thực tế tại các cơ sở có hành vi chế biến khoai mỳ giả hoài sơn như báo chí đã đưa tin. Qua thực tế kiểm tra cho thấy hiện tượng này chưa được các cơ quan chức năng tại địa phương xử lý triệt để, tình trạng các cơ sở chế biến khoai mì giả hoài sơn vẫn đang tiếp diễn công khai.
Các thông tin liên quan đến đình chỉ, thu hồi thuốc, mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường, công văn thu hồi số công bố sản phẩm mỹ phẩm, thu hồi thuốc, mỹ phẩm nhập khẩu, sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng trên thị trường, công văn thu hồi số công bố sản phẩm mỹ phẩm được cập nhật liên tục trên Website của Cục Quản lý Dược, Tạp chí Dược. Các kết luận thanh tra được công bố trên website Cục Quản lý Dược theo đúng quy định.
Qua phản ánh đường dây nóng của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Y tế, Bộ Y tế đã nhận được thông tin từ 03 cá nhân phản ánh về kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng nghi ngờ là sản phẩm giả. Trên cơ sở thông tin của các công dân phản ánh, Bộ Y tế đã chuyển thông tin tố giác cho cơ quan chức năng liên quan để xác minh nội dung thông tin, xử lý vi phạm nếu có.
Thời gian tới, Bộ Y Tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng liên quan (công an, thị trường, hải quan,…) trong công tác kiểm tra, kiểm soát, trong đó tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa lưu thông trên thị trường; ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;
Tăng cường biện pháp truyền thông, giáo dục và hướng dẫn các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm phòng ngừa sớm và phát hiện từ cơ sở đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, gian lận thương mại.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông để thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế…
Theo BCĐ389