Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2018 từ 6,5% - 6,7% là hợp lý
5 vấn đề then chốt
Thứ nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành rất nhiều nghị quyết, như Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết Trung ương 5 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN, phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tập trung xử lý một số vụ án lớn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, xử lý kỷ luật một số cán bộ, được cán bộ, Đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Thứ hai, Quốc hội đã ban hành rất nhiều bộ luật, tạo cơ sở pháp lý, pháp nhân, làm động lực cho mọi thành phần kinh tế phát triển.
Thứ ba, Chính phủ đã sáng tạo trong quản lý, điều hành, quyết tâm, kiên trì với mục tiêu tăng trưởng là 6,7%. Định kỳ Chính phủ đã xây dựng các kịch bản cho Chính phủ và các bộ, ngành thực hiện, tổ chức các tổ công tác làm việc hết sức tích cực.
Thứ tư, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành.
Thứ năm,xử lý vấn đề quốc tế rất linh hoạt, sáng tạo, vì vậy nâng cao được vị thế, uy tín trên trường quốc tế, thu hút được nguồn lực vốn nước ngoài rất lớn.
Tất cả những điều đó đang tạo khí thế cho năm 2018.
Chú trọng chất lượng tăng trưởng
Đánh giá về chất lượng tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong giai đoạn 2011 - 2017 đã có nhiều cải thiện và dần được nâng lên, cùng với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn tới thì hoàn toàn có cơ sở tin tưởng rằng chất lượng tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng được cải thiện đúng hướng và đạt được ở mức độ cao hơn. Chất lượng tăng trưởng kinh tế ở nước ta tích cực và thể hiện trên 10 chỉ tiêu được các chuyên gia, UNDP và World Bank đánh giá và tập trung ở các nhóm vấn đề:
Tốc độ tăng trưởng GDP được duy trì ở mức độ trung bình cao và tương đối ổn định trong cả giai đoạn 2011 - 2017, bình quân 7 năm đạt 6,07%, đây là một tiêu chí để đánh giá chất lượng tăng trưởng.
Tăng trưởng kinh tế đã gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng hiệu quả các yếu tố đầu vào và phát huy được các yếu tố đầu ra, đó là cơ cấu đã chuyển dịch giảm dần tỷ trọng nông nghiệp và tăng trong công nghiệp và dịch vụ, mô hình tăng trưởng đã có chuyển dịch tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và chuyển dần sang khu vực sản xuất, chế biến, chế tạo và dịch vụ.
Môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh của nước ta đã có nhiều tiến bộ và được quốc tế đánh giá cao, được tăng bậc rất nhiều chỉ số trong thời gian vừa qua.
Tăng trưởng đã thúc đẩy phát triển và đảm bảo được công bằng xã hội, tức là liên quan đến các vấn đề xã hội, trong đó có cả các chỉ số về con người... cho thấy chất lượng tăng trưởng đang được chuyển hướng hết sức tích cực.
Về mục tiêu tăng trưởng của năm 2018. Trên cơ sở dự báo tình hình trong nước, quốc tế và có tính đến đà tăng trưởng tích cực của năm 2017 sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2018, những khó khăn, thách thức khó lường có thể xảy ra; căn cứ định hướng, mục tiêu của kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 nhằm đảm bảo tăng được tính linh hoạt trong điều hành kinh tế theo điều kiện thực tế của năm 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2018 từ 6,5% - 6,7% là hợp lý, bởi tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu 2018 được quốc tế và các chuyên gia dự báo là tích cực và tiếp tục duy trì được sự phục hồi. Tuy nhiên cũng cần thận trọng bởi những khó khăn, thách thức khó lường, nhất là những nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị trong khu vực và xu thế bảo hộ mậu dịch của một số nước.
Các ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, khách du lịch quốc tế, các hoạt động bán lẻ, kinh doanh dịch vụ tiếp tục đà tăng cao. Một số dự án lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ đi vào hoạt động và mở rộng sản xuất, có thể đóng góp tích cực trong tăng trưởng cao như: Phân bón dầu khí Cà Mau; Cao su Đà Nẵng; các dự án ngành xi măng, alumin... tức là không chỉ Samsung mà còn rất nhiều dự án lớn trong nhiều lĩnh vực sẽ đi vào sản xuất trong năm tới.
Tuy nhiên, ngành khai khoáng sẽ tiếp tục giảm, sản lượng khai thác dầu thô dự kiến giảm khoảng 2 triệu tấn trong năm nay. Theo đó, sẽ ảnh hưởng và giảm 0,5 điểm % trong tăng trưởng GDP. Những cải thiện mạnh mẽ về các cơ chế chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, giảm chi phí cho kinh doanh sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả.
Có thể nói, mô hình kinh tế hiện nay chưa thể chuyển ngay từ chiều rộng sang chiều sâu trong một thời gian ngắn, tăng trưởng kinh tế năm 2018 phải so sánh trên nền khá cao của năm 2017, nếu đặt mục tiêu quá cao thì các ngành, các lĩnh vực sẽ phải gắng gượng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của những năm sau.
Giám sát chặt đầu tư công
Một vấn đề lớn được đặt ra là đầu tư công. Luật Đầu tư công và Kế hoạch đầu tư công trung hạn trải qua hơn 2 năm thực hiện đã đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, vướng mắc cần được đánh giá tổng thể và tiếp tục hoàn chỉnh theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát và nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, phải tạo được thuận lợi là đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh việc giao vốn giải ngân và phát huy hiệu quả.
Mặc dù, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước không bao gồm trái phiếu Chính phủ năm nay đã được giao ngay từ đầu năm và đạt ngay 93% trước 31/12 nhưng tốc độ giải ngân thấp, hết 9 tháng mới đạt 54%.
Nguyên nhân là do đặc thù chỉ được phân bổ cho các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, tức là phải nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được Quốc hội thông qua, không được điều hòa sang các nguồn tiền khác. Trong khi đó năm 2017, có 2 việc phải làm song song, đó là vừa giao kế hoạch trung hạn và vừa giao kế hoạch hàng năm nên đã gặp nhiều lúng túng trong khâu chuẩn bị dự án.
Về khách quan, do phải thực hiện các quy định chặt chẽ hơn của Luật Đầu tư công trong bối cảnh chưa quen với các quy định mới nên còn nhiều bất cập. Về chủ quan, bên cạnh việc chưa tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trình tự, thủ tục cần thiết của các cơ quan liên quan thì còn có trách nhiệm của các cơ quan tổng hợp đó là còn nể nang, chưa đôn đốc kịp thời, thiếu kiên quyết.
Về giải pháp cho năm 2018, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 70, đặc biệt, chỉ đạo các cơ quan thanh tra, kiểm tra thực hiện công khai và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các bộ, ngành, địa phương gây chậm trễ trong việc giao vốn, chậm giải ngân và kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân gây cản trở, trì trệ, thiếu trách nhiệm trong việc giao vốn và giải ngân vốn đầu tư công.
Thái Bình