Khắc phục những hạn chế, bất cập: Nâng chất, duy trì đà tăng trưởng
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ với PV: “2019, kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, còn những hạn chế, bất cập cần phải khắc phục để năm 2020, chúng ta có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt”.
Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, TS. Cấn Văn Lực
Theo ông, những chuyển biến tích cực, toàn diện thể hiện ở những điểm nào; đâu là điểm nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019?
Những kết quả đạt được 2019 - có ý nghĩa rất lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; tạo cơ sở cho việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Những chuyển biến tích cực và toàn diện đó được thể hiện rất rõ nét ở 8 điểm chính sau.
Một là, tăng trưởng GDP khá cao (năm 2019 khoảng 7%, cao hơn mục tiêu của Chính phủ 6,8%) và mức giao của Quốc hội (6,6 - 6,8%)).
Hai là, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp (khoảng 3%), thấp hơn so mục tiêu đề ra (dưới 4%).
Ba là, XK hàng hóa tăng khá (tăng khoảng 9% so 2018), cán cân thương mại thặng dư (khoảng 7 - 9 tỷ USD); trong đó kim ngạch XK của khu vực DN trong nước tăng khoảng 18%, cao hơn nhiều so mức tăng 4% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Bốn là, thu hút và giải ngân vốn FDI tăng trưởng khá (vốn FDI đăng ký dự kiến đạt khoảng 36 tỷ USD, tăng 2% so 2018; vốn FDI giải ngân đạt 20 - 21 tỷ USD, tăng 6% so năm trước).
Năm là, thu - chi NSNN diễn biến theo hướng tích cực (thu NSNN tính đến hết tháng 11/2019 đạt 92,1% dự toán năm; chi NSNN chỉ đạt 74,1% dự toán năm, chủ yếu do giải ngân đầu tư công còn chậm).
Sáu là, chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức thấp khoảng 3%.
Bảy là, môi trường đầu tư - kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện, hoạt động của DN khởi sắc hơn. Trong 11 tháng 2019, đã có 126.700 DN mới thành lập, tăng 4,5% về số lượng DN (bằng mức tăng 4,5% cùng kỳ 2018) và tăng 27,5% về số vốn đăng ký (so mức tăng 9,1% cùng kỳ 2018).
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019, năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2019 đạt 61,5 điểm, xếp hạng 67/141; tăng 3,5 điểm và tăng 10 bậc và được đánh giá là một trong những nền kinh tế có mức độ cải thiện tốt nhất thế giới năm 2019.
Tám là, tiến trình hội nhập quốc tế đạt kết quả tích cực. Trong đó, có thể kể đến việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu bầu gần như tuyệt đối và giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020…
Khắc phục những hạn chế để kinh tế 2020 tiếp tục đà tăng trưởng tốt
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế Việt Nam 2019 còn những tồn tại, hạn chế gì cần khắc phục?
Trước hết, phải kể đến đó là khu vực nông - lâm - nghiệp, vẫn rất khó khăn. Năm 2019, khu vực này, ước tăng 2,2% (thấp hơn nhiều so mức tăng 3,76% của 2018).
Nguyên nhân chính là do dịch tả lợn châu Phi, tuy đã được kiểm soát và NTD bắt đầu quay trở lại dùng thịt lợn nhiều hơn, nhưng nguồn cung chưa theo kịp; còn hiện tượng XK thịt lợn tiểu ngạch khiến giá thị lợn tăng nhanh. Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn khi giá bán đa số sản phẩm chủ lực đều giảm, khiến giá trị XK nhiều mặt hàng như thủy sản, rau quả, hạt điều, gạo, cà phê… đều giảm so năm trước.
Giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa có nhiều chuyển biến. Năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng đã rất quyết liệt thúc đẩy giải quyết vấn đề này, song việc thực hiện vẫn chậm, làm ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn vốn và uy tín quốc gia. Hết 11 tháng 2019, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN mới đạt khoảng 78,6% kế hoạch năm và chỉ tăng 5,5% (cùng kỳ 2018 bằng 82,1% kế hoạch và tăng 12,8%).
Cùng với đó, hạn chế trong cải cách môi trường kinh doanh và thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ chậm được ban hành. “Báo cáo môi trường kinh doanh 2020” của NH Thế giới (WB) cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa có được sự cải thiện rõ rệt so các nước khác, đạt 68,36/100 điểm và xếp hạng 69/192 nền kinh tế trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN (tăng 1,4 điểm nhưng giảm 1 bậc so 2018). Nhiều cuộc họp chỉ đạo, nhiều hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức; nhưng đến nay, những vấn đề nóng như NĐ20 về chống chuyển giá, taxi công nghệ, cơ chế thử nghiệm cho hoạt động Fintech, cho vay NH, quản lý tài sản ảo, tiền ảo… vẫn chưa được ban hành.
Sức chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài còn mỏng. Cụ thể, dự trữ ngoại hối dù tăng cao, song mới ở mức vừa đủ (dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện khoảng 73 tỷ USD, tương đương gần 14 tuần NK - so khuyến nghị của IMF ở mức 12 - 14 tuần), trong khi tỷ lệ nợ công/GDP ở mức 56,1% - tuy ở mức thấp nhất trong vòng 3 năm nhưng vẫn còn cao so với các nước khác.
Nợ công được đánh giá chưa thực sự ở mức an toàn, khi mới chỉ cân đối được trả lãi, chưa cân đối được trả nợ gốc (theo Bộ Tài chính), trong khi hiệu quả đầu tư các dự án đầu tư từ ngân sách, trái phiếu chính phủ và ODA còn chưa cao...
Vậy ông có thể đưa ra dự báo kinh tế vĩ mô 2020?
Trong năm tới, Việt Nam cần tiếp tục củng cố các động lực tăng trưởng từ nội tại là sản xuất và XK sản phẩm công nghiệp chế biến - chế tạo, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, thúc đẩy sức mua, tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, cần có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhằm phát huy sức mạnh của khu vực kinh tế tư nhân như là một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Với những động lực như vậy, tôi đánh giá, kinh tế Việt Nam 2020 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt và có thể đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể như sau.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP 2020, dự kiến đạt khoảng 6,8% nhờ sự ổn định vĩ mô và các động lực tăng trưởng chính có nhiều chuyển biến theo chiều sâu (thu hút đầu tư FDI chất lượng cao hơn, XK tiếp tục tăng khá với hàm lượng giá trị tăng, sự phát triển vững mạnh hơn của khu vực kinh tế tư nhân), cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và môi trường kinh doanh, cải cách thể chế theo hướng tạo điều kiện và hỗ trợ DN và người dân (nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế số).
Thứ hai, lạm phát 2020, vẫn sẽ được kiểm soát ở mức thấp dưới 4% (khoảng 3,3 - 3,6%) trong bối cảnh ổn định về kinh tế - chính trị, từ đó tạo thêm dư địa để Chính phủ điều hành nền kinh tế và cân bằng các chỉ tiêu vĩ mô khác.
Thứ ba, bên cạnh 2 chỉ tiêu nêu trên, các chỉ tiêu kinh tế khác, dự báo sẽ có triển vọng tốt nhờ nhiều yếu tố thuận lợi. Có thể kể đến đó là sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật..; việc các hiệp định thương mại tự do (nhất là EVFTA) sớm có hiệu lực, thành quả cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng mạnh mẽ. Cùng với đó, niềm tin của các nhà đầu tư và DN tăng lên cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam và quyết tâm cải cách, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế của cả hệ thống chính trị.
Theo đó, năm 2020, dự báo các chỉ tiêu kinh tế chính: XK khả năng tiếp tục tăng (khoảng 9 -10% so 2019, lên mức khoảng 291 - 294 tỷ USD); thu hút FDI tiếp tục tăng (khoảng 5 - 6% so 2019, lên mức 36 - 38 tỷ USD); lãi suất, tỷ giá dự báo sẽ ổn định nhờ nền tảng vĩ mô vững chắc và cung - cầu ổn định; tiến trình hội nhập quốc tế tiếp tục giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu…
Trân trọng cảm ơn ông!
Hiền Chinh (Thực hiện)
Tin mới
Nam Định tiếp tục ban hành Công điện ứng phó lũ lớn
Ngày 12/9, UBND tỉnh Nam Định có Công điện về việc tập trung ứng phó lũ lớn, bảo đảm an toàn đê điều trên các sông trên địa bàn tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú thăm, động viên bà con thôn Làng Nủ
Ngày 12/9/2024, Đoàn công tác do đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên bà con Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Hải Phòng: Hỗ trợ đưa hơn 100 người dân sinh sống tại khu vực đê sông Lạch Tray đến nơi an toàn
Trong 2 ngày 10 và 11/9, Công an quận Lê Chân phối hợp với UBND các phường Vĩnh Niệm, Nghĩa Xá cùng các lực lượng địa phương đã khẩn trương di dời hơn 100 dân đang sinh sống tại khu vực ven đê sông Lạch Tray đến nơi an toàn để phòng, chống ngập lụt do ảnh hưởng xả lũ của các hồ chứa thượng lưu và ảnh hưởng triều cường, mưa lũ sau bão số 3 trên địa bàn quận Lê Chân.
Cập nhật thông tin về ảnh hưởng của bão số 3 đến vận hành và cấp điện tính đến sáng 12/9
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa thông tin cập nhật lúc 10h ngày 12/9 về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) và lũ lụt tại các tỉnh phía Bắc đến vận hành và cung cấp điện.
Hai trường hợp bị phạt hành chính do không chịu sơ tán đến nơi an toàn
Ngày 11/9, Công an huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết đã ra quyết định xử phạt 2 công dân không chấp hành quy định của pháp luật về thiên tai.
Cảnh báo Fanpage giả mạo để lừa đảo
Trước những ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão số 3 trên địa bàn huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là sau sự cố cầu Phong Châu bị gãy trụ T7 và làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu, nhiều trang Fanpage giả mạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao đang kêu gọi ủng hộ vào tài khoản ngân hàng có tên của cá nhân là: Trang Thanh Lan. Do vậy, người dân cần cảnh giác, không chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân trên trang fanpage giả mạo.
Câu chuyện thương hiệu
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào