Ảnh internet
Kênh bán lẻ mở rộng ở nhiều nền tảng, giải quyết "sự cố" cần thích ứng như thế nào? Ảnh internet.

Năm 2023, dự đoán xu hướng lớn nhất của các nhà bán lẻ là mở rộng kênh bán, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau, tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến. Bán hàng đa kênh sẽ tiếp tục thể hiện ưu thế. Vì người tiêu dùng đang cởi mở trong lựa chọn, sẵn sàng thay đổi thương hiệu, thay đổi địa điểm khi mua hàng.

Xu hướng thứ hai là mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số đi kèm với tiếp thị sản phẩm. Hình thức kinh doanh này đã khởi sinh từ trong đại dịch và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới.

Xu hướng thứ ba là cải tiến vận hành, quản trị doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Sau thời gian chống chọi với đại dịch Covid-19, các nhà bán lẻ bước vào thời kỳ khôi phục và tăng trưởng doanh thu, bước đầu chú trọng đến yếu tố duy trì và phát triển kinh doanh từ bên trong - đó chính là nguồn lực nội tại từ nhân sự, vận hành cửa hàng và quản trị doanh nghiệp bán lẻ.

Nền tảng quản lý và bán hàng Sapo đã có cuộc khảo sát trên 15.000 nhà bán lẻ là khách hàng. Kết quả cho thấy, tình hình kinh doanh ngành bán lẻ năm 2022 có nhiều sự khởi sắc so với năm 2021 về doanh thu, quy mô kinh doanh cũng như kênh bán hàng, vận chuyển và thanh toán.

Xu hướng bán lẻ đa kênh ngày càng được nhân rộng và sự quay trở lại ưu tiên hàng đầu của tiền mặt trong thanh toán. Tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu chiếm 37,72%, cao hơn năm 2021 (23,88%) và năm 2020 (30.7%). Số lượng nhà bán hàng có sự tăng trưởng trên 30% doanh thu chiếm 6,36%.

Trong số các nhà bán lẻ có sự tăng trưởng doanh thu năm 2022, phần lớn trong số họ đang kinh doanh trong lĩnh vực thời trang - phụ kiện, mỹ phẩm, tạp hóa - siêu thị mini và đồ chơi. Các nhà bán lẻ ghi nhận doanh thu giảm sút trên 30% chủ yếu kinh doanh trong nhóm ngành đồ gia dụng, sinh hoạt; đồ mẹ và bé; thuốc và thực phẩm chức năng.

Ba kênh marketing được ưa chuộng nhất trong ngành bán lẻ và được chi phí nhiều là: Quảng cáo trên mạng xã hội; tiếp thị tại cửa hàng; quảng cáo trên sàn thương mại điện tử.

Kênh bán lẻ mở rộng ở nhiều nền tảng, giải quyết
Kênh bán lẻ mở rộng ở nhiều nền tảng, giải quyết "sự cố" cần thích ứng như thế nào? Ảnh internet.

Xu hướng mở rộng bán hàng đa kênh vẫn được thể hiện rõ rệt. 57,65% nhà bán hàng đang kinh doanh trên ít nhất hai kênh tại cửa hàng và một số kênh online. Tỷ lệ người kinh doanh chỉ bán offline tại cửa hàng chiếm 23,71% và người kinh doanh chỉ bán online chiếm 17,35%.

Vấn đề đặt ra là, bán lẻ sẽ được thực hiện trên đa nền tảng, đa kênh, vậy cơ chế đã chuẩn bị như thế nào cho hoạt động này trong khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang được các Đại biểu Quốc hội tham gia với nhiều ý kiến góp ý rất khác nhau, xác đáng, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Cũng theo số liệu của Cục Cạnh tranh, Bộ Công Thương thì số lượng các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng ngày càng tăng. Có những vụ việc khó và không thể giải quyết được vì một số kênh bán hàng không đăng ký; có đăng ký thì việc thực hiện xử lý, giải quyết một vụ khiếu nại mất rất nhiều thời gian, nên nhiều người tiêu dùng nản, không muốn khiếu nại, dẫn đến thị trường hàng hóa trên các kênh hàng trực tuyến thường bị đặt dấu hỏi về chất lượng.

Làm thế nào để người tiêu dùng tin tưởng, khiếu nại lên Cục Cạnh tranh những vấn đề hàng hóa để thị trường hàng hóa Việt ngày càng sôi động, chất lượng bảo đảm, phục vụ tốt cho hội nhập hàng hóa quốc tế? Áp dụng công nghệ số, nền tảng số vào kiểm soát, giải quyết khiếu nại chắc chắn sẽ nhanh và chính xác hơn. 

Cũng nhiều người tiêu dùng khẳng định, mua hàng trên các kênh trực tuyến không đảm bảo, họ sẽ chuyển về hoạt động mua bán truyền thống tại chợ, siêu thị. Người tiêu dùng thông qua điện thoại, họ hoàn toàn có thể gọi cho một tiểu thương ở chợ truyền thống đặt hàng và được ship đồ về tận nhà vào những cung giờ họ cần. 

Mọi xu hướng mua bán hàng hóa đều có thể xảy ra, thay đổi khi dịch bệnh đã được khống chế. Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải có tính đến những giải pháp linh hoạt, xử lý những tình huống phát sinh thật cụ thể, rõ ràng và hệ thống để người tiêu dùng chi tiền mua hàng, sử dụng dịch vụ thấy được tôn trọng, bảo về quyền lợi chính đáng của mình.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP năm 2022 tăng 8,02%, trong đó, ngành bán lẻ tăng cao (10,15%), đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị toàn nền kinh tế; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ (40,61%).

Công Huy (t/h)