Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Quy hoạch mặt bằng, đấu giá đất kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”? - Hình 1

Người dân xã Thọ Diên trao đổi với phóng viên

Quy hoạch một đằng bán một nẻo

Theo phản ánh của các hộ dân thôn 10, thôn 12, xã Thọ Diên (Thọ Xuân), từ năm 2010 đến nay, UBND xã Thọ Diên lập quy hoạch, xin phê duyệt của huyện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm huy động vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, vì giá trị đất ở khu vực này khá rẻ, không có nhiều hộ dân có nhu cầu mua đất nên xã phải tuyên truyền, vận động, kêu gọi các hộ dân có nhu cầu mua đất ở tham gia đấu giá được 24/62 lô đã quy hoạch.

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Quy hoạch mặt bằng, đấu giá đất kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”? - Hình 2Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Quy hoạch mặt bằng, đấu giá đất kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”? - Hình 2Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Quy hoạch mặt bằng, đấu giá đất kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”? - Hình 2

Nhiều hộ dân được bàn giao đất sai lệch so với quy hoạch thiếu hàng chục mét đất/lô, vô cùng bức xúc

Vị trí đất mà các hộ dân đang khiếu nại là tại mặt bằng điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đất ở dân cư khu Đồng Sau, được UBND huyện Thọ Xuân phê duyệt tại Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 28/7/2016. Các thông tin quy hoạch, kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất được quy định tại Quyết định số 1656b/QĐ-UBND ngày 23/8/2016 của UBND huyện Thọ Xuân. Trên mặt bằng thể hiện: đường giao thông (cũng là đường bờ kênh C1) rộng 5,5 m; hành lang kênh C1 là 3 m.

Tuy nhiên, khi tiến hành đo đạc thực tế thì đường bờ kênh cao hơn mặt ruộng khoảng 1 m và chỉ rộng 3,5 m (lòng đường 2,5 m đã được đổ bê tông kiên cố), hành lang kênh 3 m. Từ mép bờ kênh vào đến đất ở được quy hoạch chỉ còn 6,5 m, đúng như phản ánh của các hộ dân. Như vậy, so với bản quy hoạch thì thiếu hụt 2 m chiều dài.

Ông Lê Văn Việt, thôn 12, xã Thọ Diên cho biết: “Gia đình tôi mua 2 lô đất (lô 1 và 2) do UBND xã Thọ Diên tổ chức bán đấu giá. Thế mà khi bàn giao đất, không giống như bản đồ quy hoạch và thông tin công bố trong bán đấu giá đất, chúng tôi đo đạc lại thấy thiếu đến 68 m2 cho cả 2 lô. Vậy là như thế nào?”.

Các hộ dân như Lê Văn Thành (Lô 17) thiếu 12 m, Lê Văn Loan (lô 18, 19) thiếu 24 m2…; các hộ khác như Lê Thanh Tùng (lô 27, 28, 29, 30) và Đỗ Bá Thịnh (20, 21, 22, 23, 24, 25, 26) có vị trí đất đều không đúng theo mặt bằng quy hoạch (MBQH).

Cố tình giao đất sai quy hoạch?

Bức xúc về sự tắc trách, yếu kém của đội ngũ cán bộ tiến hành giải phóng và quy hoạch mặt bằng, ông Lê Thanh Tùng cho biết, tháng 10/2016, khi có nhu cầu mua đất ở lâu dài tại quê hương, ông đã tìm hiểu, tham gia đấu giá và trúng đấu giá 4 lô đất số 27, 28, 29, 30 tại khu Đồng Sau, tổng số tiền sử dụng đất trúng đấu giá gần 220 triệu đồng và đã được UBND huyện Thọ Xuân phê duyệt kết quả trúng đấu giá tại Quyết định số 2378/QĐ-UBND ngày 1/11/2016.

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Quy hoạch mặt bằng, đấu giá đất kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”? - Hình 3

Người dân xã Thọ Diên vô cùng bức xúc khi đã hoàn thành đầy đủ các loại thuế, phí theo quy định, nhưng lại nhận được các lô đất sai lệch so với quy hoạch

"Sau khi nộp đầy đủ tiền sử dụng đất, tháng 12/2016, UBND xã Thọ Diên tiến hành đo đạc, bàn giao đất ở trên thực địa, chúng tôi vô cùng bất ngờ với vị trí đất được bàn giao lại không hề đúng theo MBQH. Trước khi tôi và gia đình ông Đỗ Bá Thịnh mua các lô đất sau cùng, những hộ dân trúng đấu giá đã kiến nghị lên UBND xã về vấn đề thiếu diện tích, sai quy hoạch.

Thế nhưng, hôm bàn giao đất cho chúng tôi, có mặt cả Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Chức, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Tùng và cán bộ địa chính xã, nhưng vẫn cố bàn giao sai quy hoạch cho chúng tôi là vì sao? Phải chăng, UBND xã Thọ Diên cố tình “treo đầu dê bán thịt chó”, lừa gạt người dân?”, ông Tùng bức xúc.

Ông Đỗ Bá Thịnh cũng là một trong số các hộ dân mua đất tại MBQH này, thắc mắc: “Khi xã tuyên truyền, vận động và tổ chức đấu giá đất, gia đình chúng tôi nhận thấy khu đất có đường vào rộng rãi, đối diện với bờ kênh C1 thoáng đãng nên anh em, họ hàng đã đầu tư, tham gia đấu giá và trúng 7 lô đất tại đây, đã nộp đầy đủ tiền sử dụng đất. Việc mua bán đều căn cứ trên MBQH, đã được các cơ quan có thẩm quyền ký, đóng dấu rõ ràng. Vậy mà, khi nhận mặt bằng lại chẳng được như khi rao bán, như vậy sao chấp nhận được?”.

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Quy hoạch mặt bằng, đấu giá đất kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”? - Hình 4

Người dân bức xúc 

Ngoài ra, việc bàn giao mặt bằng không đúng với quy hoạch khiến đường bê tông hóa thành bờ kênh, thuộc phạm vi các công trình thủy lợi. Vậy nếu việc bàn giao đất ở lâu dài không đúng theo MBQH, liệu có ảnh hưởng đến hoạt động của các công trình, cũng như việc xây dựng, sinh sống của các hộ dân về sau này?

Trong khi đó, khi các hộ dân trúng đấu giá tiến hành ở san lấp, xây dựng thì bị các hộ dân có đất nông nghiệp ngăn cản vì họ vẫn chưa được nhận tiền bồi thường GPMB. Cụ thể, trường hợp của gia đình ông Trân Văn Lệ (thôn 12, xã Thọ Diên) có hơn 40 m2 đất nằm trong quy hoạch và đã bán đấu giá cho hộ dân khác sử dụng, nhưng gia đình ông vẫn chưa nhận được quyết định GPMB và tiền bồi thường.

Huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa): Quy hoạch mặt bằng, đấu giá đất kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”? - Hình 5

Nhà văn hóa thôn 12 theo quy hoạch có diện tích 600 m2, nhưng sau khi xây dựng chỉ có 300 m2?

Ngoài ra, trong việc quy hoạch xây dựng nhà văn hóa, các hộ dân còn phát hiện diện tích Nhà văn hóa thôn 12 trong quy hoạch thuộc Tờ bản đồ số  37 có diện tích 600 m2, nhưng diện tích thực tế khi xây dựng mới chỉ có 300 m2. Vậy 300 m2 nữa đã đi đâu và ai đã sử dụng số diện tích đó?

Đã nhiều tháng trôi qua, những hộ dân trúng đấu giá tại xã Thọ Diên (Thọ Xuân) luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu. Mặc dù họ đã được bàn giao và cấp GCNQSDĐ. Nhưng hầu hết các hộ dân đều không dám nhận GCNQSDĐ tại các lô đất mà họ đã mua.

Đó là cách “phản đối” của những người nông dân chất phát với sự tắc trách của chính quyền địa phương khi những phản ánh của họ lên cấp xã chỉ như “nước đổ lá khoai”, lên cấp huyện thì... qua loa đại khái?

Nhưng một số hộ dân vẫn lo lắng và họ tâm sự với chúng tôi: “Đa phần các hộ dân mua đất đều là nông dân. Một lô đất chỉ đáng giá vài chục triệu đồng, nhưng để có số tiền đó, nhiều người phải tích góp hàng chục năm. Có người vay mượn khắp nơi, họ mua đất không phải buôn bán kiếm lời, vì vị trí đất vốn chẳng phải là đắc địa… Họ mua vì muốn làm của để dành, để tạo ngân sách cho UBND xã có tiền xây dựng nông thôn mới. Nhưng nông thôn mới thì chưa thấy, chỉ thấy những rắc rối nảy sinh liên tiếp ở cái vùng quê thanh bình - vốn chỉ có câu chuyện dân giã “về con gà, con trâu”…

Trong cuộc trò truyện với phóng viên, hầu hết người dân đều bày tỏ, không muốn kiện cáo, không muốn phải gay gắt với chính quyền địa phương vì “tình làng nghĩa xóm”, vì còn sinh sống trên mảnh đất quê hương nhiều năm tiếp theo... Nhưng lần này, họ lại quyết làm cho ra nhẽ, bởi đây không phải lần đầu và chưa chắc là lần cuối nếu như cứ “câm lặng” để những cái sai chìm vào quên lãng…

Nhóm PV