Theo đó, năm 2017, huyện Ia Pa cấp 144 triệu đồng để mua và trồng 56.000 cây xanh; năm 2018, cấp 428 triệu đồng để mua trồng 74.000 cây xanh. Các loại cây xanh được huyện xuất ngân sách mua trồng là keo lai, bạch đàn, xà cừ, sao đen, bằng lăng, huỳnh đàn... Phòng NN-PTNT huyện Ia Pa được giao nhiệm vụ tham mưu dự toán mua cây giống, tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng.
Ảnh minh họa
Khi UBND huyện Ia Pa thành lập đoàn thanh tra thì phát hiện cây xanh trồng tại các trường học trên địa bàn chết rất nhiều. Cụ thể, với 56.000 cây xanh trồng vào năm 2017 thì số cây chết là 41.336 cây (tỉ lệ 73,8 %), chỉ sống 14.664 cây. Năm 2018, trồng 74.000 thì số cây chết là 37.603 cây (tỉ lệ 50,8%), chỉ sống 36.397 cây.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng- Chủ tịch UBND huyện Ia Pa, nguyên nhân cây chết là do thời tiết khô hạn, cây không có hàng rào bảo vệ bị gia súc giẫm đạp; một số loại cây giống chiều cao thấp chỉ thích nghi với việc trồng rừng, không thích nghi với việc trồng cây phân tán; công tác cấp cây giống chưa đảm bảo.
Ông Hùng cũng nói thêm, trách nhiệm để cây giống chết nhiều thuộc về Phòng NN-PTNT, người đứng đầu các tổ chức, cá nhân nhận cây giống và UBND các xã, công chức được phân công triển khai trồng các cây phân tán. Để tình trạng lãng phí ngân sách, thiếu ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây giống.
Chủ tịch UBND huyện Ia Pa đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm rõ trách nhiệm, tổ chức kiểm điểm. Về giải pháp cho thời gian tới, “UBND huyện Ia Pa yêu cầu Phòng NN-PTNT, UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật thuật trồng, giám sát trồng và chăm sóc cây giống tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, các năm tới, sẽ lựa chọn các cây giống to, tốt tránh tình trạng mua cây nhỏ dễ chết”, ông Hùng cho biết.
Kim Yến