Kỳ bí khu rừng già
Nằm cách trung tâm huyện lỵ Yên Thành khoảng 7 km về phía Bắc, khu rừng già nguyên sinh gần 20ha thuộc xã Hậu Thành mọc lên giữa những cánh đồng lúa mênh mông như một "lá phổi", niềm tự hào của người dân nơi đây.
Không ai biết rừng lim có từ bao giờ, chỉ biết từ thuở lập làng (dưới thời nhà Lê) rừng lim trên núi Tháp Lĩnh (còn gọi là Tháp Sơn) đã xanh tươi. Gần 20ha, núi Tháp Lĩnh có hàng ngàn cây lim từ to tới nhỏ. Có những “cụ” lim hàng trăm năm tuổi, 2-3 người ôm không xuể và vô số “cây con”, “cây cháu” của cụ. Ngoài hàng ngàn cây lim, núi Tháp Lĩnh còn có nhiều cây trai, gụ, trâm, trắc…
Một góc rừng lim trên núi Tháp Lĩnh (Ảnh: Lê Quyết)
Rừng lim trên núi Tháp Lĩnh không chỉ là lá phổi mà còn là “báu vật” truyền đời, là niềm từ hào của người dân nơi đây. Theo cuốn “Xã Hậu Thành Địa chí – Lịch sử thì “Động Tháp hay còn gọi là Rú Tháp không cao, nằm ở giữa đồng bằng của xã Hậu Thành. Trước đây, ở Động Tháp cây rừng rậm rạp, nay vẫn còn một khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 19ha với nhiều cây gỗ quý hiệm như: Lim, gụ, trắc… gồm có trên 100 chủng loại”.
Ngay từ thuở khai dân lập ấp, nguyên sinh đã có rừng lim xanh tốt. Tương truyền, khi ông Nguyễn Hữu Chỉ, người huyện Hoàng Hóa (Thanh Hóa) gặp lúc loạn lạc, vợ chồng ông vào Nghệ An để ẩn náu. Khi đặt chân đến đây, ông nhận thấy đây là vùng đất lành, sơn thủy hữu tình nên đã cùng con trai thứ 6 khai khẩn, phát rẫy làm nương, chiêu dân, lập làng Đức Hậu (nay là xã Hậu Thành).
Để tưởng nhớ công ơn của ngài, người dân làng Đức Hậu đã dựng đền thờ dưới chân Tháp Lĩnh gần mộ táng ông để quanh năm hương khói thờ phụng. Ngôi đền hiện vẫn còn nguyên trạng, lấm tấm rêu phong nằm ẩn mình bên chân núi Tháp Lĩnh. Vào các ngày rằm, mồng một, người dân địa phương đều đặn thắp hương để tưởng nhớ đến ngài. Vào các dịp lễ, Tết, con cháu hồi hương lại không quên đến đây gieo quẻ, cầu phúc cầu an.
Cụ Mai Huy Định – Thủ từ Đền Cả kể lại rằng, khi cụ còn tuổi tóc để chỏm đã nghe cha kể về rừng lim và nhiều câu chuyện huyền bí trên núi Tháp Lĩnh. “Xưa, trên đỉnh núi mọc lên một khối đá vôi, các bô lão nhận thấy điềm dữ nên đã trấn yểm không cho núi mọc lên nữa. Nay vẫn còn vết tích ấy trên đỉnh núi”. Tuy nhiên, cụ Định cảnh báo nếu ai không phận sự, không nên lên đây đặc biệt là các ngày âm u, mưa gió vì rắn độc, trăn rừng có thể xuất hiện và cắn người bất cứ lúc nào.
“Núi Tháp Lĩnh không chỉ độc đáo ở rừng lim nguyên sinh mà còn giữ được sự linh thiêng, uy nghi của Đền Cả, nơi đây cúng 10 vị thần đã khai sinh ra mảnh đất này”, cụ Định cho biết thêm.
Cụ Mai Huy Định kể chuyện về đền Cả và những “cụ” lim trên núi Tháp Lĩnh
Để “mục sở thị” khu rừng đặc biệt có một không hai này, chúng tôi được ông Lại Xuân Ngân, bảo vệ rừng lim dẫn đường. Ông Ngân cũng không quên cho chúng tôi mượn quần áo bảo hộ trước khi bước chân vào khu rừng lim bí hiểm này.
Lách qua những đám cây giàng giàng, ông Ngân thi thoảng ngoái đầu nhìn lại nhắc chúng tôi cẩn thận chú ý vì rắn lục có thể xuất hiện bất cứ lúc nào khiến ai nấy đều ớn lạnh. Đi một quảng cách bìa rừng không xa, những “cụ” lim đã hiện ngay trước mắt. Chúng tôi cũng choáng ngợp bởi vô số những “cụ” lim thân mình xù xì, 2-3 người ôm không xuể.
Chỉ vào đám cây dứa dưới những tán lim cổ thụ, ông Ngân cho biết: “Ngay từ những ngày đầu chính quyền dành độc lập, hội Người cao tuổi xã đã trồng được gần 10ha dưới Tây Ban Nha, hằng năm cho thu hoạch được từ 30-50 tấn. Dứa núi Tháp Lĩnh thơm ngon nức tiếng, có năm xuất khẩu sáng các nước Tây Âu.
Ngày nay, dứa không còn giá trị kinh tế so với dứa cao sản nhưng dứa trên núi Tháp Lĩnh vẫn thơm mùi nét đặc trưng. Đến mùa lúa chín, hương lúa quện với hương dứa lan tỏa khắp một vùng quê”.
Những “cụ” lim hàng trăm năm tuổi phải đến 2-3 người ôm
Ông Lại Xuân Ngân tự hào khẳng định: “Đây là khu rừng rất đặc biệt, có nhiều loại cây cho gỗ quý như: Lim, gụ, trai… và là tài sản vô giá của cha ông để lại cho con cháu đời sau. Nó không còn là tài sản hiện hữu mà là niềm tin vào các vị thần che chở để con cháu nơi đây ngàn đời yên vui”.
Du khách có dịp ghé thăm, đứng từ trên đỉnh núi, buông tầm mắt nhìn về phía Đông sẽ nhìn thấy biển cả bao la, biển và mây trời một màu xanh ngắt. Nhìn về phía Tây, con đường Sen – Yên Thành nối con đường Hồ Chí Minh như một dải lụa mềm ôm lấy xóm làng.
“Chặt 1 cây phải trồng 10 cây”
Từ xa xưa, núi Tháp Lĩnh trở thành chốn “cấm sơn”, tự người dân nơi đây đều có trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ “báu vật” cha ông để lại. Bởi vậy, theo hương ước của làng, “hễ ai chặt một cây ở núi Tháp Lĩnh thì bị phạt và phải trồng lại 10 cây”. Năm 1885, bọn tay sai thực dân Pháp nhiều lần cho người lên núi phá hoại, chặt cây nhưng bị dân làng Đức Hậu đấu tranh quyết liệt. Không thể khuất phục, cuối cùng chúng phải thừa nhận hương ước của làng.
Những “cụ” lim hàng trăm năm tuổi vươn tán rộng che bóng cả một vùng
Ngày 25-8-1945, ngọn cờ đỏ sao vàng được cắm lần đầu tiên trên nóc đình Mõ, xã Hậu Thành. Từ đó, chính quyền thuộc về tay nhân dân lao động, UBND cách mạng lâm thời ra lời kêu gọi gồm 10 điểm trong đó có việc cấm không được ai chặt cây trên núi Tháp Lĩnh.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, giặc điên cuồng bắn phá miền Bắc, núi Tháp Lĩnh là nơi dừng chân cho nhiều đơn vị bộ đội trên đường đi vào giải phóng miền Nam. Trong chiến tranh ác liệt, nơi đây cũng là giảng đường cho khoa Toán trường Đại học Vinh để sinh viên học tập suốt cả thời gian sơ tán. Giặc Mỹ nhiều lần ném bom, bắn rốc két xuống núi Tháp Lĩnh nhưng gãy cây nào, người dân nơi đây lại kéo nhau đến san lấp hố bom, dựng cây, chăm sóc cây tươi xanh trở lại.
Năm 2001, chào mừng Thiên niên kỷ mới, xã Hậu Thành đã tổ chức đi thu nhặt hàng ngàn hạt lim rụng xuống để ươm bầu được trên 500 cây con. Đồng thời, làm cỏ, cắt tỉa cành cho trên 200 gốc lim, gụ, trai có độ tuổi trên 100 năm. Đoàn thanh niên xã này cũng đã đào một con hào rộng 3m dài hơn 300m chạy vòng quanh núi để bảo vệ, không cho trâu bò vào phá hoại cây cối. Tu bổ, lại 2 con đường chạy dọc sườn núi và lên đỉnh núi cao gần 150m.
Dấu tích một hố bom, do giặc Mỹ ném xuống khu rừng lim nguyên sinh
Ông Phạm Văn Luyến – Chủ tịch UBND xã Hậu Thành cho biết: “Núi Tháp Lĩnh không chỉ được ví như “lá phổi” của xã Hậu Thành tạo không khí trong lành, cung cấp nước, thảm thực vật phong phú mà còn là một “trái tim”, nguồn sống và niềm tin của người dân nơi đây. Các nghị quyết của xã đều nghiêm cấm khai thác gỗ trên núi Tháp Lĩnh. Để bảo vệ, gìn giữ di sản quý giá do ông cha để lại, hàng năm xã bố trí hai bảo vệ trích ngân sách 1,3 triệu đồng/tháng bảo vệ núi Tháp Lĩnh và Đền Cả”.
“Núi Tháp Lĩnh còn rất hoang sơ, nguyên sinh, nếu được các cấp quan tâm thì nơi đây sẽ trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Công tác chăm sóc, bảo vệ khu rừng lim hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí. Đền Cả mặc dầu đã được quy hoạch 0.3ha để tu bổ, xếp hạng di tích nhưng do đền nằm trong lòng núi Tháp Lĩnh thuộc đất lâm nghiệp nên các thủ tục hiện chưa được hoàn thiện”, ông Luyến trăn trở.
Núi Tháp Lĩnh là khu rừng đặc dụng chứa ẩn nhiều tiềm năng, bảo tồn các nguồn ren động, thực vật và bảo tồn các di sản văn hóa, lịch sử. Không những thế, quần thể núi Tháp Lĩnh, đền Cả là “báu vật”, đời sống tín ngưỡng, niềm tự hào của người dân nơi đây.
Lê Quyết