Sau 14 năm chờ đợi kể từ ngày thi công và nhiều lần lỡ hẹn, 8h sáng 8/8, tàu đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chính thức lăn bánh đón những hành khách đầu tiên đi tàu trong sự hào hứng, phấn khởi.

Như vậy, sau tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đây là tuyến đường sắt đô thị thứ hai ở Thủ đô được đưa vào hoạt động, cung cấp cho người dân một phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh và hiện đại, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Rất đông người dân trải nghiệm tàu metro Nhổn - ga Hà Nội ngày đầu vận hành thương mại.
Rất đông người dân trải nghiệm tàu metro Nhổn - ga Hà Nội ngày đầu vận hành thương mại.

Đúng vào khung giờ cao điểm buổi sáng, trên các tuyến đường hướng tâm từ Nhổn - theo Quốc lộ 32 - Cầu Diễn - Mai Dịch - nút giao với vành đai 3 - Cầu Giấy (nút giao với vành đai 2), lưu lượng phương tiện tăng cao thì tàu trên tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội nổi bật trên cao hiện đại, vun vút trên biển người và phương tiện.

Từ ga cầu Giấy, rất nhiều hành khách, già có, trẻ có, từ học sinh, sinh viên đến cán bộ công chức, người lao động tự do, người nước ngoài… đã có mặt từ rất sớm để được lên tàu trải nghiệm.

Hồi hộp, phấn khởi nhìn ngắm khoang tàu khang trang, hiện đại, trong khi người chồng loay hoay chụp ảnh, chị Bùi Thị Hồng từ Tuyên Quang xuống Thủ đô cho biết, nghe tin tàu đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đi vào hoạt động, hai vợ chồng rất háo hức đến đây từ sớm. Lên tàu thấy rất đông người, cảm xúc dâng trào. Tàu chạy rất êm, thoáng mát, không bị tắc đường, rất thuận tiện cho người đi làm hoặc đi chơi.

“Giá vé 200.000 đồng/tháng đối với người đi lại thường xuyên là quá hợp lý, mức lương giáo viên như tôi đi lại như vậy là quá ổn”, chị Bùi Thị Hồng nói.

Tại ga Nhổn, bà Phùng Thị Thu (67 tuổi, quê thị xã Sơn Tây) bày tỏ, bà cùng 5 người bạn sáng sớm ngày 8/8 di chuyển gần 40 km tới ga Nhổn để được là những người đầu tiên trải nghiệm đường sắt trên cao Nhổn - Ga Hà Nội. “Được biết nay là ngày đầu tiên tàu chạy nên từ đêm qua chúng tôi đã háo hức rủ nhau đi thử. Gần 6h, tôi đã bắt xe buýt từ Sơn Tây để xuống đây. Lần đầu được đi tàu như thế này nên chúng tôi háo hức và hồi hộp, cảm giác rất đặc biệt”, bà Thu hào hứng kể.

Nhiều người sinh sống tại Hà Nội cũng háo hức khi tuyến đường vận hành sau hơn 1 thập kỷ mong đợi. Chị Trâm Anh (40 tuổi, nhà ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm) phấn khởi nói, nhiều lần tưởng được đi tàu nhưng lại hoãn nên cũng có phần hụt hẫng, nay tàu chính thức chạy nên chị đến trải nghiệm để xóa đi cảm giác đó. “Tuyến đường sẽ giúp tôi cũng như nhiều người dân có thể đi lại thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian và bảo vệ môi trường”, chị Trâm Anh chia sẻ.

Để phục vụ vận hành các đoàn tàu, trong ngày 8/8, cả chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và đơn vị vận hành là Hanoi Metro đã huy động hơn 300 nhân lực gồm cán bộ, kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên điều phối tại 8 ga của đoạn trên cao hướng dẫn, phục vụ người dân tiếp cận ga, lên tàu.

Người dân Thủ đô trải nghiệm chuyến tàu sáng 8/8. Trong 15 ngày đầu khai thác, hành khách đi tàu sẽ được miễn phí. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Trong 15 ngày đầu khai thác, hành khách đi tàu sẽ được miễn phí. 

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro (đơn vị vận hành) cho biết, tính đến 16h chiều ngày 8/8 - ngày chạy tàu đầu tiên Hanoi Metro ghi nhận có 14.737 hành khách đi tàu. Trung bình 1 giờ có khoảng hơn 1.800 khách đi tàu đô thị Nhổn - Ga Hà Nội. Con số này tương đương với khách đi trên tuyến Cát Linh - Hà Đông trong ngày bình thường (khoảng 27.000 khách/ngày đêm).

Trong 15 ngày đầu khai trương, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội sẽ miễn phí cho hành khách. Trong buổi sáng đầu tiên hành khách lên tàu chủ yếu là người dân đi trải nghiệm, chưa có nhiều người là cán bộ công chức, nhân viên văn phòng đi làm, sinh viên đi học bằng phương tiện này.

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga  Hà Nội được thiết kế đáp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật và thẩm mỹ cao. Đoạn trên cao được vận hành từ Nhổn đến Cầu Giấy bao gồm 8 ga từ S1 đến S8, lần lượt là các ga: Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại Học Quốc Gia, Chùa Hà, Cầu Giấy. Hành khách có thể tiếp cận nhà ga trên cao bởi 4 lối lên xuống từ 4 hướng trên vỉa hè ở hai bên đường. Hệ thống thang bộ, thang cuốn và thang máy tiện lợi cho cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em.

Các nhà ga trên cao có thiết kế tổng thể hình cánh chim hòa bình. Mái kết cấu dạng chữ V với độ dốc tương đối lớn để có thể “tự làm sạch” khi trời mưa. Mặt bên của công trình nhà ga có sự kết hợp hài hoà giữa thảm cây xanh, hệ lam hắt chống nắng bằng vật liệu nhôm đúc nguyên khối và các tấm kim loại không gỉ đã được gia công tạo hình, đảm bảo sự thông thoáng cho khu vực công cộng của nhà ga.

Việc nạp tiền vào thẻ có thể được thực hiện thông qua các ứng dụng ngân hàng hoặc trực tiếp tại quầy bán vé. Mỗi nhà ga trên cao còn được thiết kế hình ảnh riêng để quảng bá, tôn vinh văn hóa của Thủ đô. Mọi lối lên khu vực đi tàu đều có biển chỉ dẫn. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng được hoàn thiện và trải qua nhiều khâu kiểm tra nghiêm ngặt.

Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông cho thành phố Hà Nội.

Thiên Trường (t/h)