Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong tháng 1/2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 657,35 triệu USD, tăng 78,57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 598,07 triệu USD, tăng lần lượt 84,61% so với tháng 1/2020 và 56,51% so với tháng 12/2020. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh xuất khẩu sang nhiều bạn hàng lớn gặp khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Tín hiệu đầy lạc quan này càng có ý nghĩa khi UKVFTA vừa mới được áp dụng tạm thời kể từ ngày 1/1/2021, hứa hẹn tiếp tục tạo ra động lực mới cho hợp tác kinh tế-thương mại trong thời gian tới.

Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh, kim ngạch xuất khẩu nông sản vẫn giữ vững mức tăng ổn định và tích cực trong tháng 1, với kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặt hàng rau quả đạt 1,04 triệu USD, tăng 148,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây đều là những ngành hàng có nhiều cơ hội nâng cao giá trị xuất khẩu, tỉ trọng trong cơ cấu thị trường thông qua nhiều ưu đãi về thuế quan trong Hiệp định UKVFTA.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Các mặt hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 1. Cụ thể là điện thoại các loại và linh kiện (252,59 triệu USD, tăng 371,6% so với cùng kỳ năm ngoái); máy móc, thiết bị và dụng cụ phụ tùng (đạt 74,58 triệu USD, tăng 109,9%); máy tính và sản phẩm linh kiện điện tử (31,82 triệu USD, tăng 91%); sắt thép các loại (đạt 15,96 triệu USD, tăng 11%)…

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Vương quốc Anh vào Việt Nam trong tháng 1 đạt 59,297 triệu USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ. Trong đó, một số mặt hàng có mức tăng trưởng đáng kể như: Kim loại trừ thép (đạt 467.000 USD, tăng 1,462.5%); thuốc trừ sâu và nguyên liệu ( đạt 1,042 triệu USD, tăng 505,8%); nguyên phụ liệu dệt may (đạt 3,084 triệu USD, tăng 131,7%).

Theo cam kết trong UKVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên nhập khẩu vào thị trường Anh được giảm từ mức thuế cơ bản 10-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Hơn 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả có mức thuế suất 0%. Nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… sẽ có thêm lợi thế tiếp cận thị trường trong bối cảnh các loại hoa quả nhiệt đới xuất xứ từ các quốc gia cạnh tranh như Brazil, Thái Lan, Malaysia… đều chưa có hiệp định thương mại với Anh.

Hà Trần