Từ tháng 5/1992 đến tháng 7/1994, “băng cướp bịt mặt” đã thực hiện trót lọt 64 vụ cướp trên quốc lộ 1A, riêng địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng chúng đã thực hiện 43 vụ, cướp đoạt tài sản hơn 400 triệu đồng, 153 đồng hồ đeo tay, 20 chỉ vàng và nhiều tài sản có giá trị khác.

Tuy nhiên, công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Bởi các tên cướp luôn bịt kín mặt nên không có nạn nhân nào nhìn thấy mặt của chúng. Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng do từng đơn vị nhỏ lẻ, thiếu sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất, thiếu điều kiện, phương tiện hoạt động nên công tác điều tra khám phá án của công an các huyện, thị không đem lại hiệu quả.

Hành trình truy bắt ‘băng cướp bịt mặt’ bí ẩn trên Quốc lộ 1A - Hình 1

Các trinh sát lên xe đóng giả lái xe đường dài để phục kích bọn cướp. (Hình tư liệu)

Trước tình hình cướp bóc diễn ra phức tạp trên quốc lộ 1A, ngày 6/1/1994, Tổng cục CSND có Công điện thượng khẩn số 29/TK gửi lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Trong Công điện, lãnh đạo Bộ yêu cầu Công an tỉnh gấp rút thành lập chuyên án, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh, triệt phá băng cướp liên tỉnh, đảm bảo an ninh trật tự, trấn an tinh thần người dân.

Ngay sau đó, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã quyết định xác lập chuyên án đấu tranh do Đại tá Nguyễn Xuân Hường, khi đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban.

Để thực hiện kế hoạch được chặt chẽ, Ban chuyên án giao công an các huyện như Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát đối với từng khu vực được phân công.

Riêng hai đoạn đường trọng điểm từ cầu Bà Rén đến Mộc Bài (huyện Quế Sơn) và ngã ba Ngọc Khô đến khu vực cầu Cánh Tiên (huyện Thăng Bình) thuộc trách nhiệm của phòng cảnh sát điều tra. Bên cạnh đó, Ban chuyên án triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để xác định danh tính của những tên cướp lộng hành này.

Đầu tiên, Ban chuyên án sàng lọc các đối tượng nghi vấn. 144 đối tượng được đưa vào “tầm ngắm”, sau đó loại dần.

Một loạt các biện pháp nghiệp vụ đã được thực hiện nhưng dấu vết của băng cướp bịt mặt bí ẩn vẫn là ẩn số, chưa có đầu mối nào khả nghi thì các vụ cướp lại tăng lên và bọn cướp rất manh động. Danh tiếng “băng cướp bịt mặt” đã lan truyền khắp nơi, hầu hết các chuyến xe đường dài không dám dừng nghỉ tại địa phận Quảng Nam - Đà Nẵng.

“Băng cướp bịt mặt” luôn thay đổi phương thức hành động. Chúng ẩn nấp ở các đoạn đường xấu mà xe thường đi chậm hay cạnh các đoạn đường gần cầu để ném đá vào xe đang lưu thông trên đường.

Để nâng cao khả năng phá án, lúc này Ban chuyên án cũng thay đổi phương án và không ngừng động viên tinh thần các trinh sát.

Từ khi bắt tay vào kế hoạch truy bắt “băng cướp bịt mặt”, cán bộ chiến sĩ của Đội 2 phòng cảnh sát điều tra cũng như công an các huyện, thị nơi có QL1A đi qua xác định đây là 1 cuộc đấu sức, đấu trí, “nằm gai nếm mật” đầy gian khổ.

Mặc cho đêm khuya giá rét, các trinh sát vẫn nép mình bên bờ ruộng, mắt dõi trên đường quốc lộ để xem có động tĩnh gì. Hết điểm này đến điểm khác, trong khi tuyến quốc lộ dài hàng chục ki-lô-mét, nhưng các trinh sát vẫn kiên cường bám đồng ruộng để chờ giây phút bọn cướp xuất hiện.

Tổ trinh sát cải trang tuần tra trên đường bằng xe cơ giới, xe thồ vào giờ cao điểm. Hết vào vai người nông dân đi mò cua bắt ốc đến người đi buôn, lái xe ôm và cả tài xế xe tải ngủ trên xe để “câu” cướp. Yêu cầu đặt ra là, trinh sát phải nhập vai sao cho thành thục.

Cả Trưởng ban, Phó ban chuyên án cũng cùng ăn, cùng thức, cùng mai phục với các trinh sát để chỉ đạo phá án. Tổ trinh sát thứ ba được giao nhiệm vụ khai thác thông tin từ các bị hại về hình dáng, giọng nói, tầm vóc, độ tuổi của từng tên trong băng cướp.

Từ đó, so sánh với các đối tượng hình sự trên địa bàn tỉnh cũng như ở các tỉnh lân cận. Đồng thời, nắm tình hình về các vụ cướp xảy ra trước đó. Sau một thời gian triển khai kế hoạch, Ban chuyên án tổ chức họp để lắng nghe trinh sát, điều tra viên báo cáo các nguồn tin thu thập được.

Đại úy Huỳnh Đức Cường, một trong những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm của Ban chuyên án cho biết, trước năm 1990 trên tuyến quốc lộ 1 A, đoạn Bình Định - Quảng Ngãi cũng đã xảy ra hàng loạt vụ cướp có cùng chung phương thức, thủ đoạn như những vụ cướp tại địa bàn Quảng Nam-Đà Nẵng.

Vì thế, Đại úy Cường nhận định rằng, có khả năng các đối tượng trong các vụ cướp này có liên quan đến các vụ cướp ở Bình Định.

PV