Được triển khai từ năm 2009, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đạt nhiều kết quả tích cực. Thông qua công tác tuyên truyền Cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức và có những chuyển biến tích cực về tiêu dùng, mua sắm hàng Việt trong nhân dân. Người tiêu dùng đã có sự cân nhắc, so sánh giữa giá cả, chất lượng của hàng Việt Nam và hàng ngoại nhập để lựa chọn phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như khả năng mua sắm. Xu hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt dần tăng lên, nhất là những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: Lương thực, thực phẩm, các sản phẩm may mặc, đồ gia dụng, nhóm các mặt hàng cơ khí...

Hàng Việt chinh phục người Việt! - Hình 1

Để hàng Việt thực sự chinh phục người Việt, các sản phẩm cần đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng đi đôi với giá cả hợp lý

Tại các vùng nông thôn, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng  cao, người dân đã nhận thức và hướng về hàng Việt, các sản phẩm hàng tiêu dùng Việt Nam có giá thành hợp lý và chất lượng đảm bảo, được người dân ưu tiên sử dụng thay cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không có nhãn mác, các sản phẩm ngoại nhập. Tại các trung tâm thương mại, các siêu thị trên địa bàn, thị phần dành cho hàng nội địa chiếm tới khoảng 90%, chủ yếu là hàng tiêu dùng, may mặc, nông sản... Nhiều mặt hàng thực phẩm, nông sản tại các địa phương đã xây dựng thương hiệu riêng, gây dựng được niềm tin cho khách hàng và có thị trường ổn định…

Bên cạnh đó, trên thị trường nhiều mặt hàng nội địa chất lượng tốt nhưng chưa nằm trong danh sách “sử dụng thường xuyên” của khách hàng bởi giá thành cao. Đồng thời có những mặt hàng trong nước sản xuất nhưng chưa đến tay người tiêu dùng do các mặt hàng này được sản xuất chủ yếu để xuất khẩu. Thực tế, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập nền kinh tế quốc tế mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn cả mặt hàng nội địa cũng như nhập khẩu. Do đó, để hàng Việt ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước cũng như vươn tới các thị trường nước ngoài đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất không ngừng đổi mới quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã đa dạng, phong phú phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để mở rộng quy mô cũng như giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm.

Ông Đặng Thế Kiên, Trưởng phòng quản lý thương mại (Sở Công Thương Phú Thọ) cho biết: “Nhà nước đã có những chính sách kích thích sản xuất cũng như tiêu dùng trong nước. Để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất Nhà nước có những chính sách, cơ chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi kích thích sản xuất trong nước phát triển; bảo hộ các doanh nghiệp nhỏ, vừa; xây dựng mới thương hiệu cho một số mặt hàng trọng điểm cũng như bảo vệ các mặt hàng đã có tên tuổi trên thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm soát thị trường nhằm giảm tình trạng cạnh tranh không bình đẳng và gian lận thương mại từ hàng ngoại nhập chất lượng thấp, giá rẻ là rất cần thiết để hàng Việt đứng vững và mở rộng tiêu thụ trên thị trường trong nước”.

Hàng Việt Nam sẽ chinh phục được người tiêu dùng trong nước khi các sản phẩm ngày càng tiếp cận gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng tốt hơn những yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, các yêu cầu bảo vệ môi trường, dịch vụ hậu mãi vì lợi ích người tiêu dùng và cộng đồng…

Hoan Nguyễn