Trung tâm cũng đã yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu, bảo đảm tất cả trẻ được tiêm đủ mũi.
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nên tại các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn thành phố luôn được bố trí đầy đủ để phục vụ nhân dân. Người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin (ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td) đủ mũi tiêm và đúng lịch.
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)
Bên cạnh đó, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời...
Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, Tiến sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, thời gian tới, bệnh viện sẽ tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế phụ trách công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện và trung tâm y tế về công tác giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, phát hiện, xử trí, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để các cán bộ y tế cập nhật kiến thức, thực hiện tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị chăm sóc tốt sức khỏe cho người bệnh...
Tiến sĩ Phạm Bá Hiền khuyến cáo người dân, nếu có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đặc biệt, bệnh bạch hầu là bệnh có vắc xin phòng bệnh, nên tốt nhất người dân chủ động tiêm vắc xin; những người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, thì cần tiêm đủ để tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể...
Hà Trần