Trong đó, dẫn đầu danh sách nợ thuế này là Công ty cổ phần Khai thác chế biến đá Hữu Phước (huyện Kim Bảng) có số thuế nợ hơn 12,2 tỷ đồng; Công ty TNHH Đồng Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng) có số tiền thuế nợ hơn 10 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Việt Hà và Công ty TNHH Xây dựng Manda Cons Hà Nam (TP. Phủ Lý) cùng có số tiền thuế nợ hơn 4,3 tỷ đồng.
Tiếp theo là Công ty TNHH Tiên Sơn (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) có số tiền thuế nợ hơn 4,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Hưng Phú (xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng) có số tiền nợ thuế hơn 3,5 tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Trí (TP. Phủ Lý) có số tiền nợ thuế hơn 2,4 tỷ đồng; Công ty cổ phần Sản xuất và xây lắp Hồng Phú (TP. Phủ Lý) có số tiền nợ thuế hơn 2,3 tỷ đồng…
Trong danh sách các đơn vị còn lại có số tiền thuế nợ thấp nhất từ hơn 163.000 đồng đến dưới 2,3 tỷ đồng…
Cũng theo Cục Thuế tỉnh Hà Nam, lý do công khai người nộp thuế vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 100 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và điểm g khoản 1 Điều 29 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 19/10/2020.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Thuế trước đó đã có chỉ đạo đối với người nộp thuế có tiền thuế nợ trên 90 ngày hoặc khoản tiền thuế nợ thuộc trường hợp phải cưỡng chế, các cục thuế phải áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách Nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu các cục thuế thực hiện công khai thông tin của người nộp thuế có tiền thuế nợ quá hạn theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt tập trung vào người nộp thuế có số tiền thuế nợ lớn và kéo dài.
Phương Thảo (t/h)