Thành quả từ các phong trào thi đua
Chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM) là một trong những phong trào nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia mạnh mẽ của các cấp, ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Bằng chứng cho thấy, hàng năm người dân trong tỉnh hiến hàng trăm nghìn m2 đất; đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động; mở mới nhiều km đường đất, đá và rất nhiều hoạt động khác. Riêng năm 2023, các địa phương tổ chức ra quân xây dựng NTM được trên 1.100 buổi; vận động nhân dân hiến gần 200 nghìn m2 đất, đóng góp hơn 162 nghìn ngày công lao động; mở mới trên 150 km đường nội thôn; bê tông hóa trên 462 km đường nông thôn các loại…
Đến nay, toàn tỉnh có 48/175 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; có 88 thôn đạt chuẩn thôn NTM và có 1 đơn vị hành chính (thành phố Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Tương tự, phong trào thi đua xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh theo tinh thần Nghị quyết 27 của Tỉnh ủy được các địa phương trong tỉnh tích cực triển khai, thực hiện, tạo nhiều chuyển biến tích cực.
Kết quả nổi bật là nhiều hủ tục trong đời sống sinh hoạt của người dân từng bước được đẩy lùi, xóa bỏ; một số giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo du khách đến khám phá, trải nghiệm.
Đơn cử tại huyện Mèo Vạc, năm 2023, toàn huyện tuyên truyền, vận động được hơn 140 hộ theo đạo trái pháp luật quay lại thờ cúng theo phong tục truyền thống; nhiều dòng họ người Mông đã đưa người chết vào áo quan trước khi tổ chức tang lễ thay vì khi chôn cất mới cho vào áo quan như trước đây.
Người dân xã Linh Hồ (Vị Xuyên) chung tay xây dựng nông thôn mới
Ngoài ra, nhiều phong trào thi đua như: “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn nhân dân các dân tộc Hà Giang”, thi đua phát triển kinh tế… cũng được các cấp, ngành, lực lượng, tầng lớp nhân dân quan tâm, hưởng ứng, tạo không khí thi đua sôi nổi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thực tế cho thấy, hiệu quả từ việc triển khai các phong trào thi đua đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh. Năm 2023, các chỉ tiêu chủ yếu về KT – XH của tỉnh cơ bản đạt và vượt nghị quyết HĐND tỉnh giao (có 31/36 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch); lượng khách du lịch đến tỉnh tăng 32% so với cùng kỳ; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng hơn 5%; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 7,21%...
Có thể khẳng định, để các phong trào thi đua có sức lan tỏa, đem lại kết quả tích cực, bên cạnh công tác lãn, chỉ đạo, định hướng sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp còn có sự đóng góp quan trọng của các điển hình tiên tiến.
Bởi họ là những tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động, sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; là nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trên tinh thần đó, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua; đồng thời thực hiện tốt công tác phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến gắn với công tác khen thưởng, tôn vinh kịp thời.
Từ đó, tạo sức lan tỏa gương người tốt, việc tốt và tạo động lực cổ vũ các tập thể, cá nhân học tập điển hình tiên tiến, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng phồn thịnh, văn minh.
T. Hương (Nguồn: )