Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng SJC tại TPHCM tạm đứng 55,70-56,20 triệu đồng/lượng. Giá vàng Doji tại Hà Nội chốt giá 55,55-56,15 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng 24k Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu sau khi giảm mạnh phiên cuối tuần cũng chỉ còn 53,38-54,08 triệu đồng/lượng và đứng trước nguy cơ mất mốc 54 triệu chiều bán ra.

Trên hệ thống Phú Quý, giá vàng miếng SJC cũng giảm mạnh cuối tuần khi chỉ còn 55,70-56,15 triệu đồng/lượng; Giá vàng 9999 NPQ đến cuối tuần đã chính thức mất mốc 54 triệu khi còn 53,10-53,90 triệu đồng/lượng…

Giá các loại vàng nữ trang khác cũng biến động theo xu hướng thị trường. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 500.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán vào phiên cuối tuần, vàng tây 18K giảm 300.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 230.000 đồng/lượng ở cả hai hướng mua bán.

Giá vàng thế giới tiếp tục giảm sâu, ghi nhận tháng giảm thứ hai liên tiếp trong năm

Giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao so với thế giới
Giá vàng trong nước vẫn chênh lệch cao so với thế giới

Giá vàng phục hồi, tăng hơn 1,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (22/2) lên cao nhất gần một tuần và trở lại mốc 1.800 USD/ounce. 

Những dự đoán về lạm phát tăng đã dẫn tới lo ngại về giá cổ phiếu và khiến các nhà đầu tư tìm đến tài sản an toàn là vàng. Trong khi đó sức mạnh của đồng USD suy yếu cũng hỗ trợ kim loại quý.

Tuy nhiên, vàng giảm ngay sau đó vì đồng bạc xanh phục hồi và liên tiếp giảm mạnh 1 - 3% trong những phiên cuối tuần, một lần nữa mất ngưỡng hỗ trợ 1.800 USD/ounce, do đồng USD mạnh và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời. Tính riêng tháng 2, giá vàng đã giảm tới 6,4%. 

Trong các phiên cuối tuần, giá vàng thế giới đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất của tám tháng và hướng đến tuần giảm thứ hai liên tiếp trong bối cảnh triển vọng kinh tế sáng sủa hơn và quan ngại về lạm phát thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng.

 Thiên Trường