Từ đó, góp phần tạo thêm động lực mới trong hành trình nỗ lực phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Qua 2 năm triển khai chương trình OCOP, tỉnh Gia Lai hiện đã có 149 sản phẩm thuộc 53 xã, phường, thị trấn được đánh giá, phân hạng; trong đó, 22 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao và 127 sản phẩm đạt 3 sao tăng gần 100 sản phẩm so với mục tiêu đề ra giai đoạn 2019-2020. Các sản phẩm OCOP được công nhận đã có bước tiến rõ nét về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì; đảm bảo quy định về tem, nhãn mác cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, các sản phẩm sau khi tham gia chương trình OCOP, mức giao thương và tiêu thụ hàng hóa đã tăng 20%. Các sản phẩm OCOP đang dần khẳng định được giá trị và hướng đến thị trường xuất khẩu ngoài nước.
Năm 2020, chương trình OCOP của tỉnh hoàn thành 51 sản phẩm nhưng đến nay đã có 149 sản phẩm được công nhận; trong đó năm 2019 đạt 42 sản phẩm, năm 2020 đã đánh giá xong 107 sản phẩm, đây là một nỗ lực rất lớn của tỉnh. Để các sản phẩm này tiếp tục phát triển bền vững, mang đặc trưng vùng miền Tây Nguyên, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông, tuyên truyền và xúc tiến thương mại để các sản phẩm OCOP đến gần với dân hơn.
Mở đầu mục tiêu này, đến nay, tỉnh đã xây dựng được 5 điểm bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, phục vụ nội địa và khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đã xây dựng website sàn giao dịch thương mại điện tử sản phẩm OCOP Gia Lai với tên miền //ocopgialai.vn.
Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn hướng dẫn các chủ thể đưa các sản phẩm đi tham dự các hội chợ tại nước bạn Campuchia; kết nối giao thương, kết nối cung cầu tại thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; tham gia 6 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, biên giới và 7 hội chợ, triển lãm trong nước…
PV