Tính đến ngày 20/8/2019, toàn tỉnh Gia Lai đã ghi nhận trên 6.600 ca sốt xuất huyết, trong đó có 2 ca tử vong tại huyện Chư Sê. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do điều kiện thời tiết biến đổi thất thường; tập quán tích trữ nước của người dân, các dụng cụ phế thải chứa nước không được thu gom và xử lý tạo điều kiện cho truyền bệnh phát triển dẫn đến dịch sốt xuất huyết kéo dài.
Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra tình hình thu dung, điều trị cho bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai
Số ca bệnh nằm rải rác khắp các địa bàn nên công tác xử lý gặp nhiều khó khăn. Theo nhận định, những tháng cuối năm 2019, dịch bệnh sẽ diễn biến phức tạp, đăc biệt từ tháng 8 đến tháng 10 là thời điểm tăng cao của dịch hàng năm nếu không có giải pháp phòng chống quyết liệt, cùng sự vào cuộc của chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành, đoàn thể.
Qua kiểm tra thực tế tại huyện Kbang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện Quân y 211, Đoàn công tác đã nêu rõ nhiều vấn đề đặt ra trong công tác kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Thực tế cho thấy, công tác phòng chống sốt xuất huyết ở nhiều nơi còn gặp khó khăn do người dân chưa nêu cao ý thức phòng chống bệnh, một số địa phương chưa có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời mà chủ yếu khoán trắng cho ngành y tế...
Phun hóa chất diệt muỗi, đề phòng sốt xuất huyếtBên cạnh đó, hoạt động thu dung, điều trị bệnh nhân ở một số bệnh viện, trung tâm y tế cũng đang khó khăn do quá tải bệnh nhân, lực lượng y bác sỹ còn mỏng. Hiện số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú rất lớn, các ca nhẹ chủ yếu khám tại các phòng mạch tư nhân do đó đoàn đề nghị Sở Y tế cần có quy định các phòng khám tư phải cáo cáo kịp thời các bệnh nhân sốt xuất huyết để kiểm soát được số ca ngoại trú.
Đoàn kiến nghị đối với chính quyền địa phương các cấp cần có sự vào cuộc một cách tích cực, bổ sung kinh phí kịp thời cho công tác chống dịch, thành lập đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên trong mùa dịch; đặc biệt phải chú trọng công tác truyền thông, huy động các đoàn thể, người dân cùng chung tay trong công tác chống dịch. Phun hóa chất chỉ là giải pháp tình thế, duy trì thường xuyên công tác vệ sinh môi trường, xử lý triệt để các ổ bọ gậy là vấn đề mấu chốt cơ bản nhất trong công tác phòng dịch.
Ông Trần Đại Trí-phó Chủ tịch UBND phường Yên Thế (TP. Pleiku) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trường hợp một phụ nữ tử vong hết sức thương tâm. Theo ông Trí, người phụ nữ trên được chẩn đoán là mắc bệnh sốt xuất huyết, được điều trị tại bệnh viện Quân y 211. Sau khi khỏi bệnh ra viện, vì hoàn cảnh khó khăn nên người này đã không nghỉ ngơi mà vẫn lao động nặng nhọc dẫn đến bị đuối và suy kiệt sức khỏe dẫn đến tử vong.
Kim Yến