“Băng rừng” đến với học sinh vùng cao
Muốn đến được điểm trường, hàng tuần trên chiếc xe cà tàng, các thầy cô giáo điểm trường Pờ Yầu (trường tiểu học Lơ Pang, Mang Yang, Gia Lai) phải rất khó khăn, chật vật xuyên rừng để mang con chữ đến với các em học sinh nơi đây. Thay vì chọn những bộ quần áo sang trọng đến lớp học, các thầy cô giáo điểm trường Pờ Yầu lại chọn cho mình những bộ quần áo bẩn nhất cùng đôi ủng và một số dụng cụ sửa xe, để bắt đầu cho hành trình cõng chữ lên non.
Trong một lần theo chân đoàn thiện nguyện, tôi đã đến được điểm trường làng Pờ Yầu. Chạy hơn 3km đường nhựa là rẽ vào chân núi làng Pờ Yầu, cuộc hành trình “bươn rừng” bắt đầu từ đây. Trên những chiếc xe máy đã được các thầy cô giáo và một vài cán bộ địa phương chuẩn bị sẵn để đưa chúng tôi lên đỉnh Pờ Yầu, con đường rừng trơn như đổ mỡ, bên cạnh là vực thẳm sâu hun hút, nên chỉ cần một giây lệch tay lái là lao xuống vực ngay.
Điểm trường làng Pơ Yầu
Đoạn đường có hơn 16km nhưng liên tiếp là những con dốc dựng đứng, gập ghềnh như thử thách lòng can đảm của chúng tôi cũng như “thử lửa” các thầy cô trong hành trình lên non “gieo chữ”. Nhưng dường như đã quen với cung đường hiểm trở ấy, các thầy cô vẫn không có gì lo sợ, có nhiều đoạn xe không chạy được, phải xuống dẫn bộ nhưng họ vẫn cười, vẫn nói chuyện như động viên nhau để xua đi cái mệt. Chỉ hơn 16km đường rừng nhưng phải mất đến hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được điểm trường Pờ Yầu. Tới nơi, ai cũng mệt nhưng nhìn các em học sinh đang đứng đợi thì mọi mệt mỏi cũng như được xua tan hết.
Gian nan gieo chữ nơi vùng cao
Điểm trường Pờ Yầu có 4 lớp học (3 lớp ghép thuộc trường tiểu học Lơ Pang và 1 lớp mẫu giáo Lơ Pang) với hơn 100 em học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số Bahnar. Vì giao thông đi lại khó khăn nên hầu như đời sống bà con trong làng Pờ Yầu đều thiếu thốn, cuộc sống chủ yếu là tự cung, tự cấp. Chính vì vậy, việc học của con em cũng không được bố mẹ quan tâm.
Mặc dù đường đường sá hiểm trở, gian nan nhưng cũng không làm chùn bước các thầy cô cõng chữ lên non cho các em
Những thầy cô điểm trường Pờ Yầu phải rất vất vả để đi tuyên truyền, vận động các em đến trường. “Ở đây vận động các em đi học khó lắm, bà con cứ đi làm nương làm rẫy là mang con theo. Đầu năm học là các học sinh thưa thớt lắm. Nên mỗi tối, các thầy cô phải đến nhà phụ huynh tuyên truyền, vận động nói lên những ích lợi khi biết chữ để bà con hiểu mới cho con mình đi học…Giờ con đi học, biết đọc cái thư, đọc đơn từ cho bố mẹ nên bà con cũng ý thức được rồi… Bà con thương thầy cô vượt đèo đến dạy chữ cho con mình nên khi đi rừng về có rau hay măng là ghé vào trường chia cho thầy cô một ít…”. Một cô giáo tâm sự.
Già Krơih chia sẻ: “Nơi đây bốn bề là rừng núi, bà con nơi đây cũng khó khăn, đời sống lạc hậu lắm… Tuy nhiên, cuộc sống trên đỉnh Pờ Yầu đã có sự thay đổi đáng kể từ khi có điện, có ti vi, nước sạch, trường học. Từ khi có cái chữ về, đời sống bà con được nâng lên, bà con biết đọc sách, biết trồng lúa nước và các cây hoa màu khác để phục vụ vào bữa ăn… Pờ Yầu giờ không thiếu gì hết, chỉ thiếu sóng điện thoại, phải đi khoảng 2km mới có được sóng điện thoại".
Thầy Chhơr (GV dạy lớp 3, Điểm trường Pờ Yầu) cho biết: “Vì ở tách biệt với cuộc sống xung quanh nên các em học sinh rất nhát, ít nói chuyện và các ngôn từ tiếng Việt rất hạn chế. Những thầy cô vào dạy, thì phải học tiếng Bahnar trước để nói chuyện với các em cho các em hiểu rồi mới dần dần dạy tiếng Việt. Không những thế, các thầy cô điểm trường phải tự góp tiền mua sách để phát cho các em, Chứ gia đình bà con thì làm gì có tiền mua. Lên các lớp sau thì nhà trường cũng vận động để xin sách giáo khoa để cho điểm trường…
Vì điểm trường nằm tách biệt, nên các thầy cô đa số ở lại cuối tuần mới về, có cô đang có con nhỏ nhưng vì yêu nghề vẫn bám lớp, bám trường, mọi gánh nặng gia đình đều đặt hết lên lên vai người chồng. Biết công việc đặc thù của vợ nên chồng cũng cảm thông, chia sẻ để cô yên tâm công tác. Tuy khó khăn là vậy, nhưng lên đây các em học sinh đều chăm ngoan, rất nghe lời thầy cô nên cũng tạo các cô có thêm động lực và niềm cảm hứng để dạy.
Theo thầy Nguyễn Văn Đắc (Hiệu trưởng trường tiểu học Lơ Pang) cho biết: “Pờ Yầu là điểm trường xa nhất của Lơ Pang. Các thầy cô lên đó đa số phải chọn những thầy cô trẻ tuổi, nhiệt huyết với công việc, cái tâm với nghề thì mới vượt rừng để lên đó dạy. Đường đi vào thì hiểm trở, đã có nhiều thầy cô ngã gãy tay, nhiều thầy ngã bị thần kinh giờ cũng đã nghỉ việc. Chính vì vậy, tôi cũng thường động viên, khích lệ để các thầy cô yên tâm công tác…”.
Không phải vô cớ mà nghề giáo được cả xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Và để xứng đáng với sự tôn vinh ấy, các thầy cô giáo đã cống hiến trọn vẹn cả trí tuệ và tâm hồn, đặc biệt là tình yêu thương và sự sẻ chia đến tận cùng với những lớp học trò thân yêu. Đặc biệt với những giáo viên đang ngày đêm bám lớp bám trường ở những địa phương vùng khó, sự nỗ lực ấy dường như càng nhân lên gấp bội.
Kim Yến