Bộ Tài chính cho biết, trong nhiều năm, Việt Nam luôn rơi vào tình trạng hụt thu ngân sách và tình trạng này được dự đoán còn kéo dài với tính kém bền vững...
Trì trệ, lợi ích nhóm
Nguyên do, nguồn thu dựa quá nhiều vào 2 nhóm ngành chủ lực, nhưng đều có giá trị gia tăng thấp: Nhóm ngành khai thác tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, không tái tạo được (bao gồm quỹ đất) song lại theo kiểu “tận khai”; nhóm ngành gia công (may mặc, giày dép) và lắp ráp (điện tử, xe máy). Lực lượng chủ lực cung cấp nguồn thu cho NSNN - DN, bao gồm cả DNNN lẫn DN tư nhân phát triển rất kém bền vững trên cả 2 khía cạnh: năng lực cạnh tranh và cơ cấu.
PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ, là một trong 2 trục chi tiêu cơ bản của nền kinh tế (ngân sách: chi tiêu nhà nước; ngân hàng: chi tiêu đầu tư - kinh doanh), NSNN Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề (giống như ở các nước). Song, xét trên những tuyến lớn, có thể kể ra một số vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, lại có tính đặc trưng của NSNN hiện nay là quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp (cơ chế xin - cho, còn gọi là cơ chế “ràng buộc ngân sách mềm”) sang cơ chế thị trường (cơ chế “ràng buộc ngân sách cứng”) vẫn chưa hoàn thành. Quá trình này đang diễn ra nên nó chứa đựng những mâu thuẫn, những xung đột, nhiều khi rất gay gắt giữa các tuyến lợi ích chuyển đổi và phát triển. Chi tiêu dàn trải, thất thoát lớn do không kiểm soát quá trình chi tiêu có nguyên nhân cốt lõi từ việc cố gắng duy trì cơ chế “ràng buộc ngân sách mềm”.
“Toàn bộ những vấn đề lớn và tình trạng kém hiệu quả trong việc điều hành quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay gắn chặt với sự chậm trễ của quá trình chuyển đổi hệ thống ngân sách - một trong 2 trục tài chính - tiền tệ lớn nhất của nền kinh tế thị trường… Nhưng điều lạ lùng là cho đến nay, trải qua nhiều năm được chuẩn bị (soạn thảo và thảo luận), Luật Ngân sách mới vẫn chưa được thông qua. Việt Nam là nước đi sau, lại là nền kinh tế hội nhập rất nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa, vì thế, không có nhiều lý lẽ để biện minh cho sự chậm trễ này. Rõ ràng, đó là sự cố gắng níu giữ hệ thống và cơ chế cũ, cố gắng duy trì thói quen điều hành ngân sách quốc gia và quản trị phát triển dù lỗi thời, ẩn sau là các nhóm lợi ích”, ông Thiên nhấn mạnh.
Vai trò KTNN đến đâu?
Tổng hợp kết quả kiểm toán 5 năm gần đây (2009 - 2013), Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 91.168 tỷ đồng, chiếm 62% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm.
Không thể phủ nhận, KTNN góp phần tích cực vào quá trình công khai và minh bạch quản lý và sử dụng NSNN.
Dẫu vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN vẫn còn một số hạn chế, bất cập: Quy mô kiểm toán đã tăng nhiều trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý tài chính, tài sản quốc gia. Chất lượng kiểm toán đã được nâng lên và tiến độ kiểm toán được đẩy nhanh, song còn khoảng cách so với yêu cầu của Luật KTNN và của các cơ quan kiểm toán tối cao thế giới; tỷ lệ kiểm toán hoạt động trong các loại hình kiểm toán còn hạn chế, hoạt động kiểm toán có độ trễ nhất định nên chưa đáp ứng đầy đủ, kịp thời những vấn đề dư luận xã hội quan tâm trong quản lý, sử dụng NSNN... Đáng chú ý, hiệu lực kiểm toán chưa cao, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh (thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm cao nhất chỉ đạt 71,3%). Điều lo ngại là trình độ của đội ngũ kiểm toán viên chưa đồng đều, thiếu kinh nghiệm, vẫn còn hiện tượng kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động kiểm toán; cơ sở vật chất của cơ quan kiểm toán chưa hoàn chỉnh…
Những hạn chế và bất cập nói trên được lý giải do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, có thể kể tới như địa vị của KTNN mới được hiến định và có hiệu lực từ năm 2014 nên thời gian qua, khuôn khổ pháp lý về tổ chức và hoạt động KTNN chưa tương thích, đầy đủ và đồng bộ; cơ cấu tổ chức của KTNN hiện tại chưa hoàn chỉnh; còn nhiều vấn đề có tác động ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTNN đang trong quá trình hoàn thiện…
Thiết nghĩ, chừng nào KTNN chưa hoàn thiện để phát huy vai trò thì quản lý tài chính công còn lỏng lẻo, an toàn ngân sách quốc gia còn bị đe dọa.
Thanh Hà