Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đền Chợ Củi đã đón hơn 60.000 lượt khách tham quan và chiêm bái, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023. Số tiền công đức của đền thu được đã nộp vào ngân sách hơn 14 tỷ đồng. Số tiền này được thu từ đóng góp trực tiếp vào sổ, hòm công đức và quét mã QR code.
Để quản lý số tiền này, Ban quản lý đã thành lập các tổ nội tự, tổ ghi công đức, tổ bảo vệ, tổ vệ sinh và tổ tiếp nhận để giám sát và quản lý tiền công đức chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả.
Khi kiểm đếm công đức, có sự chứng kiến của các phòng, ban cấp huyện, UBND xã và cán bộ thôn tại phòng riêng biệt có lắp camera giám sát.
Sau đó, số tiền công đức này được nộp vào ngân sách qua tài khoản của Ban Quản lý tại Kho bạc Nhà nước huyện Nghi Xuân, để chi cho việc đầu tư, tôn tạo, tu bổ di tích và một phần sử dụng chi thường xuyên cho hoạt động của di tích, xây dựng các tuyến đường nội bộ và bãi xe.
Việc chi tiêu được thực hiện theo dự toán ngân sách đã được phê duyệt, đảm bảo theo Thông tư 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc quản lý thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.
Ngoài ra, UBND huyện Nghi Xuân cũng đã trình các văn bản cần thiết lên UBND tỉnh Hà Tĩnh để được hướng dẫn sử dụng tiền công đức đúng mục đích.
Trước đó, vào ngày 15/1/2024, Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân đã tổ chức lễ tiếp nhận quản lý khu di tích văn hóa quốc gia đền Chợ Củi sau khi ngành chức năng tỉnh này chỉ ra một số bất cập, tồn tại trong quản lý của Ban Quản lý di tích đền về việc giao khoán tiền công đức cho thủ nhang.
Sau khi tiếp nhận quản lý, Ban Quản lý Dịch vụ công ích và các điểm du lịch huyện Nghi Xuân đã tập trung chỉnh trang cơ sở hạ tầng, đổi mới các hoạt động đón tiếp du khách, siết chặt quản lý kinh doanh và dịch vụ, chú trọng vấn đề môi trường, an ninh, trật tự nhằm phục vụ tốt nhu cầu của người dân và du khách thập phương.
Đền Chợ Củi, còn gọi là đền thờ Quan Hoàng Mười, nằm ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đền được lập từ thời Lê Sơ, đến thời Nguyễn được tôn tạo thêm và sau này được trùng tu lại như hiện nay. Năm 1974, đền Chợ Củi được Ty Văn hóa Hà Tĩnh đưa vào chế độ bảo vệ Nhà nước, sau đó được Bảo tàng tổng hợp Nghệ Tĩnh đưa vào phiếu kiểm kê di tích lịch sử văn hóa. Năm 1993, đền Chợ Củi được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. |
Quyết Lê