Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy tháng 7/2024 có 14,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 110.408 tỷ đồng, tăng 7,3% về số doanh nghiệp và giảm 13% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng năm 2024 đạt 9,0 tỷ đồng, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 919,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của hơn 27,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2024 là 1.773,8 nghìn tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Bên cạnh đó, cả nước có gần 44,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng năm 2024 lên gần 139,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 19,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Sự gia tăng của cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7/2024 đã giúp bình quân số doanh nghiệp của hai loại hình doanh nghiệp này trong 7 tháng đầu năm ở mức 19,9 nghìn doanh nghiệp/tháng, tương đương bình quân 6 tháng.

Bình quân mỗi tháng có hơn 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ảnh minh hoạ
Bình quân mỗi tháng có hơn 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Ảnh minh hoạ

Theo khu vực kinh tế, trong 7 tháng năm 2024 có 919 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; 22,4 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 4,8%; 71,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 6,8%.

Cũng trong tháng 7/2024, có 6.837 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023; 7.035 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 30,2% và tăng 33,8%; có 1.730 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 22,4% và tăng 9,4%.

Trên phạm vi cả nước, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương.

Tính chung 7 tháng năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là hơn 78.000 doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; hơn 35.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 1,5% so với cùng kỳ; và có 11.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125.500 doanh nghiệp, tương ứng bình quân một tháng có hơn 17.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Về ngành/lĩnh vực đăng ký kinh doanh, ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có tốc độ doanh nghiệp giải thể tăng nhanh so với cùng kỳ năm ngoái với 32,3%; vận tải kho bãi tăng 8,4% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,4%...

Mới đây, văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Văn bản số 5029/VPCP-TH ngày 16/7/2024 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho các doanh nghiệp thủy sản.

Theo đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị gỡ 3 điểm vướng cho doanh nghiệp, ngư dân: Quy định áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập là không hợp lý; thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác kéo dài hàng tháng; quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản đang gây khó khăn cho danh nghiệp và ngư dân.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nắm bắt thông tin. Đồng thời, rà soát nội dung kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và khẩn trương xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7 năm 2024.

Hà Trần