EVN liệt kê vướng mắc ở các dự án điện khí LNG trình Chính phủ
Trong văn bản số 1986/EVN-TTĐ gửi Thủ tướng Chính phủ, Tạp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã liệt kê ra các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án điện khí LNG tại Quy hoạch Điện VIII.
Tại văn bản số 1986/EVN-TTĐ, EVN trình bày: EVN đã nhận được hồ sơ để thực hiện đàm phán PPA (là thỏa thuận giữa người mua điện và người bán điện) của các dự án Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, Hiệp Phước, Bạc Liêu.
Cụ thể, trong đó mới chỉ có PPA dự án Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 với chủ đầu tư là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã thực hiện đàm phán theo mẫu PPA được quy định theo Thông tư số 57/2020/TT-BCT của Bộ Công Thương, các bên thống nhất cơ bản các nội dung liên quan tại PPA, trừ nội dung giá điện của dự án vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Dự án điện Hiệp Phước mới bắt đầu thực hiện đàm phán từ đầu năm 2024. Đối với các dự án còn lại, hiện nay các chủ đầu tư vẫn đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư (nghiên cứu chuẩn bị dự án, xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi và hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan); đồng thời các chủ đầu tư cũng có một số đề xuất nội dung khác với PPA đã được quy định tại Thông tư 57/2020/TT-BCT, do đó việc đàm phán PPA vẫn chưa thể triển khai thực hiện.
Vướng mắc chính trong quá trình thực hiện đàm phán PPA theo EVN là yêu cầu về tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn từ ngày 01/7/2012, thị trường điện chính thức đi vào hoạt động, doanh thu của các nhà máy điện phụ thuộc vào diễn biến giá trên thị trường điện, giá hợp đồng mua bán điện dài hạn và sản lượng điện năng thông qua cơ chế thị trường điện và hợp đồng mua bán điện dài hạn.
Do giá thị trường điện không ổn định, trong quá trình đàm phán PPA, các chủ đầu tư dự án điện khí LNG luôn đề nghị EVN thống nhất tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức từ 72% - 90% trong toàn bộ thời hạn hợp đồng.
Các yêu cầu nêu trên hầu hết đều xuất phát từ yêu cầu của các bên cho vay dự án nhằm đảm bảo dòng tiền ổn định cho toàn bộ thời gian trả nợ của chủ đầu tư, giảm thiểu rủi ro phát sinh trong quá trình tham gia thị trường điện; yêu cầu của các đơn vị cung ứng và vận chuyển nhiên liệu LNG nhằm đảm bảo sự ổn định, tối ưu trong sản xuất cả về lượng và giá nhiên liệu trong dài hạn, việc lên kế hoạch vận tải đường biển quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam là thị trường mới và nhỏ đối với các nhà cung ứng LNG quốc tế.
Theo các quy định hiện hành về thực hiện đàm phán PPA, tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn được chủ đầu tư các nhà máy điện và EVN đàm phán, thỏa thuận, trường hợp hai bên không thống nhất sẽ thực hiện theo tỷ lệ do Bộ Công Thương công bố hàng năm theo Quy định thị trường điện. Tuy nhiên việc chấp thuận điều kiện này sẽ gây rủi ro phát sinh tăng giá điện và không công bằng với các loại hình nhà máy điện khác tham gia thị trường điện.
Cụ thể do LNG là loại hình nhiên liệu có giá thành cao (giá LNG nhập khẩu về đến cảng của Việt Nam hiện ở mức 12 – 14 USD/triệu BTU) do đó giá thành phát điện của các nhà máy điện khí sử dụng nhiên liệu LNG hiện nay sẽ ở mức 2.400-2.800 đồng/kWh, cao hơn nhiều so với giá thành phát điện của các loại hình nguồn điện hiện hữu khác trong hệ thống.
Đồng thời theo Quy hoạch điện VIII, dự kiến đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện khí LNG chiếm khoảng 15% tổng công suất nguồn điện quốc gia. Với giá thành phát điện cao, độ biến động lớn cùng yêu cầu cam kết sản lượng dài hạn như trên, chi phí mua điện đầu vào của EVN sẽ bị ảnh hưởng lớn, tác động mạnh đến giá bán lẻ điện đầu ra khi các nguồn điện LNG này vào vận hành.
"Việc chấp thuận tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn ở mức cao như đề nghị của các chủ đầu tư dự án thì những năm có nhu cầu sử dụng điện không cao sẽ tạo thành rủi ro tài chính đối với EVN. Đồng thời việc cam kết tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn sẽ không công bằng với các loại hình nguồn khác đang tham gia thị trường điện (các nhà máy tham gia thị trường điện hiện nay đều không có cam kết dài hạn mà thực hiện hàng năm theo cân đối cung cầu thực tế). Theo định hướng phát triển thị trường điện thì tỷ lệ điện năng qua hợp đồng mua bán điện dài hạn sẽ giảm dần theo lộ trình phát triển thị trường điện nhằm tăng mức độ cạnh tranh qua thị trường giao ngay", báo cáo của EVN cho hay.
Theo tính toán của EVN về cân bằng cung cầu cập nhật mới nhất đến 2030, trường hợp các nguồn điện khí LNG tại Quy hoạch điện VIII không vào vận hành theo tiến độ đã đề ra thì việc đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn các năm từ 2028 - 2030 có thể cả các năm sau 2030 sẽ bị ảnh hưởng. Sản lượng điện thiếu hụt hàng năm kể từ năm 2028 là từ 800 – 1,2 tỷ kWh/năm, trường hợp nhu cầu phụ tải tăng cao có thể dẫn đến thiếu hụt lớn lên đến trên 3 tỷ kWh/năm từ giai đoạn các năm sau 2030.
Để đảm bảo khả năng thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LNG, đảm bảo khả năng cung ứng điện cho giai đoạn sau năm 2028, EVN nhận thấy việc cam kết một mức tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước và các Chủ đầu tư trong giai đoạn trả nợ của dự án điện khí LNG là cần thiết và cần được quyết định bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để áp dụng chung cho các dự án. Tỷ lệ trên do EVN đề xuất là 65%.
Bên cạnh yêu cầu về cam kết tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn của các dự án, trong quá trình đàm phán PPA, EVN cũng thường xuyên nhận được các đề nghị của các chủ đầu tư dự án điện khí LNG như đề nghị về Luật áp dụng của PPA là Luật nước thứ ba (thường là Luật Anh), xử lý tranh chấp tại trọng tài nước ngoài.
Về vấn đề này, căn cứ các quy định tại Luật Đầu tư cũng như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; trong đó yêu cầu Luật áp dụng là Luật Việt Nam, xử lý tranh chấp tại Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, vì vậy trong quá trình đàm phán, EVN không thể chấp thuận các kiến nghị nêu trên của các chủ đầu tư dự án.
Với đề nghị có quy định về việc Chính phủ bảo đảm khả năng chuyển đổi ngoại tệ do doanh thu từ dự án là đồng Việt Nam nhưng các doanh nghiệp dự án phải chuyển đổi sang ngoại tệ để thanh toán vốn vay, tiền nhiên liệu hàng tháng. Các yêu cầu khác về cơ chế bồi thường do thay đổi Luật, cơ chế chấm dứt và thanh toán chấm dứt, quyền của bên cho vay đối với dự án.
"Các yêu cầu nêu trên cũng xuất phát từ tiền lệ các hợp đồng BOT của các dự án điện trước đây, không phải là các điều khoản thuộc PPA và nằm ngoài thẩm quyền quyết định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam", văn bản nêu rõ.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tỷ lệ điện năng qua hợp đồng dài hạn ở mức phù hợp trong thời gian trả nợ của dự án nhằm đảm bảo khả thi trong việc thu hút đầu tư các dự án điện khí LNG, tránh tác động mạnh lên giá bán lẻ cũng như đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng với các loại hình nguồn khác trên thị trường điện.
EVN cũng kiến nghị Chính phủ có ý kiến và quyết định đối với kiến nghị của các chủ đầu tư đối với các chính sách bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, cơ chế bồi thường dự án do thay đổi luật như đã nêu trên đây.
Công suất các nguồn điện LNG dự kiến triển khai theo Quy hoạch Điện VIII là 13 dự án, công suất khoảng 22.500 MW.
PV (t/h)
Tin mới
Thời tiết ngày 22/9: Không khí lạnh tràn về, Bắc Trung Bộ mưa “trắng trời”
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng sớm 22/9, gió mùa Đông Bắc mang không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến hầu hết khu vực phía Tây Bắc Bộ và một số nơi ở Bắc Trung Bộ.
Giá heo hơi hôm nay 22/9: Tuần qua duy trì đà tăng mạnh tại cả ba miền
Giá heo hơi tuần qua duy trì đà tăng mạnh tại cả ba miền, trong đó, khu vực miền Bắc đang giao dịch cao nhất cả nước. Hiện tại, giá khảo sát trên toàn quốc dao động trong khoảng 63.000 - 70.000 đồng/kg.
Giá vàng hôm nay 22/9: Vàng nhẫn tăng nhẹ hơn 100,000 đồng, vàng thế giới tăng mạnh bỏ xa mức 2,600 USD/Ounce
Giá vàng nhẫn 9999 tiếp tục tăng nhẹ hơn 100,000 đồng, theo đà tăng của giá vàng thế giới. Hiện tại, vàng thế giới tăng mạnh bỏ xa mức 2,600 USD/Ounce.
Giá xăng dầu hôm nay 22/9: Tuần tăng hơn 4%
Giá xăng dầu hôm nay 22/9, tính hết tuần này, cả 2 mặt hàng dầu chuẩn WTI và Brent đều tăng hơn 4%.
Giá cà phê hôm nay 22/9: Thị trường trong nước đồng loạt giảm mạnh hơn 2,000 đồng/kg
Giá cà phê hôm nay 22/9 trong khoảng 119,500 - 120,000 đồng/kg, đồng loạt giảm mạnh hơn 2,000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 22/9: Trong nước tăng giảm trái chiều, giá tiêu cao nhất 151,000 đồng/kg
Giá tiêu hôm nay 22/9 trong khoảng 150,000 - 151,000 đồng/kg, thị trường trong nước tăng giảm trái chiều 1,000 đồng/kg tại các địa phương. Giá tiêu thế giới không thay đổi so với hôm qua.
Câu chuyện thương hiệu
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững
Tọa độ đẳng cấp mang ngàn lợi thế cho dự án Top 1 phía Đông TP HCM