EU cấm kim cương Nga: Kịch bản lệnh cấm dầu lặp lại, Moscow có cách ở 'cửa trên'?
Liên minh Châu Âu (EU) đã ban hành quyết định cấm nhập khẩu kim cương của Nga từ ngày 01/01/2024. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đường đi của những viên kim cương Moscow sắp bị cấm có thể sẽ lặp lại kịch bản của dầu mỏ?
Mới đây nhất, Hội đồng Châu Âu (EC) thông báo: “EU chính thức áp đặt lệnh cấm nhập khẩu, mua hoặc chuyển giao kim cương trực tiếp hoặc gián tiếp từ Nga”.
Theo “quy trình”, từ ngày 01/03/2024, việc nhập khẩu gián tiếp kim cương tự nhiên có nguồn gốc từ Moscow nhưng được gia công ở nước thứ ba cũng sẽ bị EU cấm.
Và từ ngày 01/09/2024, lệnh cấm sẽ mở rộng đối với việc nhập khẩu kim cương tổng hợp của Nga được gia công trong nước, đồ trang sức và đồng hồ đính kim cương của Nga xuất khẩu từ nước thứ ba.
EC lưu ý, Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) cũng sẽ tham gia vào lệnh cấm vận này. Giờ đây, kim cương từ Nga chỉ có thể được nhập khẩu vào Châu Âu cho mục đích sử dụng cá nhân của khách du lịch và như một phần của hoạt động trao đổi văn hóa với Moscow.
Vấn đề nằm ở chỗ Điện Kremlin chủ yếu xuất khẩu kim cương thô, còn việc chế tác thành đồ trang sức hoặc đính lên đồng hồ được tiến hành ở quốc gia khác.
Nga là nước sản xuất kim cương thô lớn nhất thế giới, trong khi khách hàng mua kim cương thô chính trên thế giới (khoảng 80%) là Antwerp của Bỉ - nơi được mệnh danh là thủ đô kim cương của thế giới. Đó là lý do tại sao Bỉ từng kiên quyết phản đối việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với kim cương của Nga.
Theo dữ liệu tính đến cuối năm 2022 (không có dữ liệu gần đây hơn), các nhà nhập khẩu kim cương chủ yếu từ Nga là UAE (1,64 tỷ USD), Bỉ (1,46 tỷ USD) và Ấn Độ (1,08 tỷ USD). Mục tiêu của EU khi thông qua lệnh cấm nhập khẩu kim cương là làm giảm nguồn thu ngân sách của Nga.
Tuy nhiên, chuyên gia Olga Belenkaya, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô của Tập đoàn tài chính Finam nhận định, xuất khẩu kim cương chiếm tỷ trọng tương đối nhỏ trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Nga và rủi ro chính từ những hạn chế này liên quan đến công ty Alrosa của Nga.
Doanh thu của Alrosa năm 2022 đạt 4,5 tỷ USD, chưa bằng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu 590 tỷ USD của Nga. Việc mất quyền tiếp cận trung tâm kim cương ở Antwerp có thể khiến Alrosa mất khoảng 1/3 lợi nhuận.
Và để công ty không bị mất toàn bộ thị phần, họ sẽ phải tìm cách lách các lệnh trừng phạt và có thể cung cấp kim cương cho UAE và Ấn Độ, hoặc tìm các điểm “trung chuyển” mới dành cho kim cương của Moscow.
Đáp trả tuyên bố mới của EC, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố, đất nước có các lựa chọn khác để tránh lệnh trừng phạt và nước này sẽ thực hiện các lựa chọn của mình.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nước này sẽ chuyển hướng thị trường bán hàng và nói thêm rằng, những lệnh trừng phạt này sẽ không mang lại lợi ích cho những người áp đặt chúng.
Chuyên gia Belenkaya nói: “Trong một thời gian dài, Bỉ phản đối lệnh cấm nhập khẩu kim cương của Nga, vì sợ nước này sẽ mất thị phần đáng kể. Dòng chảy thương mại có khả năng chuyển sang các trung tâm khác, như: Ấn Độ hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)”.
Phó Giáo sư Tatyana Skryl thuộc Khoa Lý thuyết kinh tế, Đại học Kinh tế Nga đánh giá: “Với thực tế Nga là nước sản xuất kim cương lớn nhất thế giới, chiếm 35% tổng số kim cương được khai thác trên toàn cầu vào cuối năm 2022. Trong thời gian tới, lệnh cấm nhập khẩu sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt trên thị trường và kết quả là đẩy giá kim cương tăng cao”.
Điều này đồng nghĩa với việc chính người Châu Âu sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua sắm đồ trang sức và đồng hồ đính kim cương.
Theo Bộ trưởng Tài chính Siluanov, Moscow chia sẻ khoảng 50% thị trường kim cương thế giới với De Beers, một công ty quốc tế khai thác, chế biến và bán kim cương.
De Beers được thành lập ở Nam Phi và thuộc sở hữu của công ty khai thác mỏ Anglo American của Anh (85%) và chính phủ Botswana (15%).
Phó Giáo sư Skryl lập luận: “Nếu các biện pháp trừng phạt có hiệu quả, Alrosa sẽ không dễ dàng khôi phục hoặc tìm kiếm các kênh bán hàng thay thế. Nhưng mặt khác, thế giới hiện nay vẫn chưa xây dựng được hệ thống nhận dạng đầy đủ kim cương thô từ nơi khai thác cho đến các tủ kính trong cửa hàng.
Do đó, trên đường đến tay người tiêu dùng cuối cùng, một viên kim cương của Nga có thể trở thành một sản phẩm trung gian với việc bổ sung một số yếu tố, chẳng hạn như ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc, sau đó nó có thể nhận được nhãn hiệu của một thương hiệu trang sức nổi tiếng”.
Không chỉ Ấn Độ và Trung Quốc, mà cả UAE, Israel và các nước khác cũng có thể mua kim cương của Nga với giá chiết khấu như trường hợp của dầu mỏ.
Chuyên gia kim cương Leonid Khazanov cũng không loại trừ việc người Châu Âu nhìn chung sẽ nhắm mắt làm ngơ trước nguồn gốc của những những viên kim cương vì “các nhà chức trách EU thực sự mạo hiểm với nguy cơ phá hủy ngành công nghiệp trang sức của chính mình, vốn mang lại thu nhập tốt cho ngân khố của họ”.
Theo Báo Quốc tế
Tin mới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Nếu ai sợ trách nhiệm thì "đứng sang một bên"
Theo Thủ tướng, phải tháo gỡ về thể chế để cán bộ, công chức dám nghĩ, dám làm, không sợ sai. Trung ương cũng nhất trí tăng cường con người, cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ những người tham gia làm thể chế.
Hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất phải có những nội dung cơ bản nào?
Hợp đồng dự án đầu tư có sử dụng đất, phải có những nội dung cơ bản nào? Những nội dung nào, phải thực hiện đăng tải thông tin lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia?
Bắt giữ tàu chở 1.300m3 cát trái phép
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 vừa phát hiện, bắt giữ tàu chở 1.300m3 cát trái phép tại vùng biển giáp ranh TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Trình - thẩm định - phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất
Quy định về việc trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư có sử dụng đất, được hướng dẫn tại Nghị định 115/2024/NĐ-CP...
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 8 đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước
Trong tháng 8, trong khi các thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn đều tăng mạnh so với cùng kỳ, chỉ riêng thị trường Trung Quốc giảm 34%, doanh thu xuất khẩu đạt 105 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa kiểm tra việc vận hành xả lũ tại hồ chứa nước Cửa Đạt
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, tối 22/9, ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh thanh Hóa đã đi kiểm tra việc vận hành xả lũ tại hồ chứa nước Cửa Đạt (Thường Xuân); kiểm tra công tác ứng phó với nước sông Chu dâng cao tại xã Thọ Hải (Thọ Xuân).
Câu chuyện thương hiệu
Vĩnh Hoàn (VHC): Doanh thu tháng 8 đạt 1.172 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước
MobiFone Esports Unitour chính thức khởi động với tổng giải thưởng lên tới 70 triệu đồng
Dệt may Thành Công (TCM) đạt gần 8,1 triệu USD lợi nhuận sau thuế, vượt 18% kế hoạch năm
DIC Corp (DIG) hoàn tất giải thể Công ty TNHH MTV Vũng Tàu Centre Point
LPBank muốn chi gần 10.000 tỷ đồng mua tối đa 5% vốn FPT
Doanh nghiệp nội địa bứt phá vì sự phát triển bền vững