“Dự thảo Luật Quy hoạch chưa thể hiện hơi thở kinh tế thị trường”
Đây là ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quy hoạch sáng nay 25/10.
Cần điều chỉnh để tránh xung đột
Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quy hoạch. Các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung dự thảo luật. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn, đề nghị cần có sự điều chỉnh để tránh xung đột với các luật khác.
Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Đoàn Cần Thơ), ban hành luật này sẽ phải đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều luật khác. Đây là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, thời gian tiếp cận luật quá ít. Đại biểu Xuân đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo với các Luật khác khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng cho rằng: “Luật này vẫn là những kế hoạch và mang tính tập trung. Trong luật có một số khái niệm giải thích không rõ ràng, minh bạch, thiếu thống nhất. Ví dụ, quy hoạch không gian và không không gian. Bên cạnh đó, cũng không thống nhất giữa giải trình và những điều đã thể hiện trong luật. Dự thảo luật chưa thể hiện được hơi thở kinh tế thị trường”.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng. (Ảnh: Quochoi.vn)
ĐBQH Đinh Văn Nhã (Đoàn Phú Yên) cho rằng, luật này có những quy định chưa thống nhất với luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) mà Quốc hội đang thảo luận.
ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Đoàn Thái Bình) nêu ý kiến: "Tại Điều 30 của dự thảo Luật quy định theo hướng tích hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch Quốc gia có tính chất kỹ thuật chuyên ngành và việc lập thẩm định phê duyệt các quy hoạch này áp dụng các quy định tại khoản 3, Điều 16, cho phép áp dụng luật chuyên ngành. Nếu tôi không nhầm, việc cho phép áp dụng luật chuyên ngành ở đây là Điều 40 của luật Đất đai. Nhưng trong danh mục sửa đổi luật liên quan để triển khai luật Quy hoạch vẫn đề nghị sửa Điều 40 của luật Đất đai. Tôi đề nghị làm rõ nội dung sửa đổi điều này là gì và phải trình Quốc hội nội dung sửa.
Một vấn đề nữa là tính khả thi của sửa đổi luật chuyên ngành. Về nội dung sửa đổi, hình thức sửa đổi, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự thảo luật cần rà soát lại lần nữa các luật thực sự cần phải sửa đổi”.
Về chi phí cho hoạt động lập quy hoạch, một số đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Tuy nhiên, Luật Đầu tư công hiện nay không có tiêu chí nào xác định hoạt động lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch thuộc các loại dự án đầu tư công. Do đó, cần sửa đổi Luật Đầu tư công để đảm bảo tính thống nhất và khả thi của Luật Quy hoạch.
Thời kì quy hoạch cứng nhắc
Theo dự thảo Luật Quy hoạch, thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
Theo ĐBQH Lê Xuân Thân (Đoàn Khánh Hòa), thời kì quy hoạch nêu trong dự thảo là 10 năm. Đây là quy định cứng nhắc. Đã quy hoạch thì phải tính dài hơn, ngắn nhất là 10 năm chứ không nên quy định cứng.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng, dự thảo Luật đã đảm bảo được 3 nguyên tắc cơ bản: Đảm bảo tính thống nhất từ trên xuống; tính thống nhất ở cấp khu vực ngang, tức là vùng và các địa phương; tính ổn định.
ĐBQH Nguyễn Bá Sơn. (Ảnh Hoan Nguyễn)
Tuy nhiên, dự thảo đề cập thời hạn quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm điều này cần xem xét và có điều chỉnh. Bởi thời hạn quy hoạch phải đi theo chiến lược phát triển đất nước chứ không phải là 5 năm hay 10 năm…
ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP. Hà Nội) nhìn nhận, quy hoạch là vấn đề khó về tầm nhìn, kiến thức, trình độ… Đề nghị quy hoạch đô thị từ 20 năm trở lên, quy hoạch vùng 30 năm và quy hoạch Quốc gia là 50 năm trở lên. Cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho nhân dân được biết. Càng công khai minh bạch thì nhân dân càng hiểu, càng chia sẻ, càng ủng hộ.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí. (Ảnh: Quochoi.vn)
ĐB Trí dẫn chứng: Vừa rồi có đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội. Rất nhiều ý kiến trái chiều mà nguyên nhân là người dân bị thiếu thông tin về quy hoạch.
Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Anh Trí cũng đề cập: “Quy hoạch bao nhiêu tầng phải rõ ràng, tránh việc thích bao nhiêu thì quy hoạch chừng ấy, quy hoạch mù mờ. Tiêu cực là ở số tầng ấy”.
ĐBQH Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) cho rằng, quy định lấy ý kiến cộng đồng bằng hình thức hội thảo, hội nghị như trong hội thảo là chưa đầy đủ. Nhiều vấn đề chuyên sâu thì cộng đồng không thể hiểu, dẫn đến việc lấy ý kiến không hiệu quả. Theo đại biểu này, cần có nhiều hình thức lấy ý kiến cộng đồng. Đồng thời có quy định cụ thể về tỷ lệ ý kiến đồng thuận là bao nhiêu để đồ án quy hoạch được thông qua.
Bên cạnh đó, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong lập và thực hiện quy hoạch là rất quan trọng. Nên có quy định thành phần lập quy hoạch phải có đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc để đơn vị này tham gia phản biện, giám sát.
Liên quan đến thực tế quy hoạch treo, gây bức xúc trong dư luận, ĐBQH Đinh Văn Nhã (Đoàn Phú Yên) cho biết: Người dân rất sợ quy hoạch treo. Do đó, trong tổ chức thực hiện, mỗi nhóm quy hoạch quốc gia/vùng, kể cả quy hoạch tỉnh nên thiết kế một hệ thống các điều kiện quản lý, kiểm tra, giám sát, nguồn lực để đảm bảo tính khả thi.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, dự án Luật Quy hoạch là dự án Luật khó. Về quy trình lập quy hoạch, không thể một cơ quan hay tổ chức nào mà phải nhiều bộ ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước cùng lập quy hoạch. Khi có mâu thuẫn giữa quy hoạch cùng cấp thì: Nếu quy hoạch ngành quốc gia mâu thuẫn với nhau thì phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể quốc gia; nếu quy hoạch vùng, tỉnh mâu thuẫn với nhau thì thực hiện theo quy hoạch cấp trên.
Về chi phí cho lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất với ý kiến các ĐBQH là phải sửa Luật Đầu tư công để có nguồn kinh phí khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Dự án Luật Quy hoạch được Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2 (11/2016) và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017). Tuy nhiên tại kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội băn khoăn về tính khả thi của dự thảo Luật. Do đó, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật tại kỳ họp thứ 3 để tiếp tục hoàn thiện, thảo luận tại kỳ họp thứ 4, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của dự án Luật.
Hoan Nguyễn
Tin mới
Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ khẩn cấp thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới Yên Bái
Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã quyết định chuyển hàng viện trợ bao gồm thiết bị lọc nước và tấm plastic đa chức năng tới tỉnh Yên Bái, trong ngày 15/9.
Thu giữ nguyên liệu sản xuất bánh trung thu hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc
Công an TP. Thanh Hóa, Đội Quản lý thị trường số 10 và các lực lượng chức năng vừa phát hiện, thu giữ gần 2 tấn nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu hết hạn sử dụng, không có nguồn gốc xuất xứ, hàng do nước ngoài sản xuất.
Thanh Hóa kiểm soát thị trường Tết Trung thu
Dịp Tết Trung thu là thời gian mà nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng cao. Để đảm bảo các mặt hàng phục vụ Tết Trung thu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đồng thời nhiều biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật trên địa bàn.
Công bố quyết định thành lập công đoàn Công ty TNHH Giầy Alivia Việt Nam
Ngày 15/9, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Công đoàn Công ty TNHH Giầy Alivia Việt Nam.
Quảng Ninh tặng 130 suất quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật và hỗ trợ 3 hộ dân bị ảnh hưởng do bão số 3
Ngày 15/9, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi (NKT-TMC) tỉnh phối hợp cùng các nhà hảo tâm tổ chức tặng quà cho học sinh mồ côi, khuyết tật; thăm hỏi động viên gia đình người có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do bão số 3.
Gia Lai triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam
UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2127/KH-UBND về triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới