Cụ thể, trên mạng xã hội xuất hiện một số clip chia sẻ việc dạy tập đọc với phương pháp mới từ sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục. Trong đó, các học sinh chỉ tay vào biểu tượng hình tròn, hình tam giác, hình vuông... để đọc. Sau khi xuất hiện, những clip này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt khiến nhiều người tỏ ra hoang mang trước phương pháp dạy học lạ lẫm này.
Tuy nhiên, sự bàn tán của mọi người chủ yếu dựa vào những thông tin tiếp cận từ mạng xã hội, mà chưa tìm hiểu cặn kẽ và chi tiết. Từ đó, rất dễ bị dẫn dắt đi theo một hướng sai lệch, phiến diện.
Trên thực tế, chương trình Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại chỉ thay đổi phương pháp tiếp cận, để học sinh dễ tiếp thu và cải thiện việc học, chứ hoàn toàn không làm thay đổi chữ viết tiếng Việt.
Sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục
Theo các giáo viên trực tiếp giảng dạy cho rằng, phụ huynh không nên lo lắng về cách học sinh lớp 1 đọc theo ô vuông, hình tròn, tam giác. Bởi, đây là bài dạy trẻ cách tách lời thành tiếng chứ không phải bài học vần và với phương pháp này, các học sinh đã học thuộc lời trước.
"Mục đích của các hình là để học sinh nhận biết mỗi tiếng mình phát ra tương đương với một hình và kể cả các học sinh chưa biết những chữ đó, nhưng các học sinh biết lời nói đó có bao nhiêu tiếng. Việc này không liên quan đến việc phương pháp dạy học vần theo âm hay theo chữ", giáo viên trường tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay.
Cũng theo giáo viên này, các bậc phụ huynh nên bỏ thêm chút thời gian tìm hiểu, thay vì chia sẻ những bài "chế" Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục. Hãy tìm, xem những clip dạy mẫu để hiểu hơn về chương trình này và đồng hành cùng việc học tập của con...
Đọc theo ô vuông, hình tròn, hình tam giác là bài dạy trẻ cách tách lời thành tiếng, chứ không phải bài học vần...
Bên cạnh đó, một số giáo viên cũng cho biết, những đoạn clip lan truyền trên mạng về việc chỉ tay vào ô vuông để đọc chỉ là 1 việc trong 4 việc của phần dạy “Tách lời thành từng tiếng”. Mục tiêu của bài tiếng là giúp các em nhận biết từ các câu thơ, câu ca dao của tiếng Việt có thể tách từng tiếng đơn rời nhau. Sau phần tiếng mới được tìm hiểu cấu trúc ngữ âm, vần, luật chính tả, nguyên âm đôi và phần cuối là luyện tập tổng hợp.
Những mô hình vuông, tròn, tam giác không phải âm hay chữ trong tài liệu Công nghệ giáo dục, mà chỉ mang tính mô tả cho 1 tiếng phát ra từ lời nói.
Liên quan đến những thông tin chia sẻ trên mạng xã hội về cách học sinh lớp 1 đọc theo ô vuông, hình tròn, hình tam giác…, trao đổi với báo giới, GS. Hồ Ngọc Đại (chủ biên cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục) cho biết, một số người chưa hiểu biết nên mới phê phán phương pháp dạy cũng như sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục của ông.
Theo ông, phương pháp dạy của ông đã được thực hiện từ những năm 1978 tại trường Thực Nghiệm và sau đó, hàng chục địa phương đã tiến hành dạy theo sách này với khoảng 800.000 (con số chưa chính xác) học sinh theo học.
"Tôi không chấp những người không hiểu biết và không để ý, xem các ý kiến trên mạng. Tôi cũng không buồn bực hay tức giận và cho rằng, ý kiến của mọi người, phụ huynh là tự nhiên, tất yếu", GS. Đại bày tỏ.
GS. Hồ Ngọc Đại (chủ biên cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục)
Còn GS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện ngôn ngữ cũng cho rằng, cá nhân ông không đồng tình với việc dư luận gán ghép hay gắn phương pháp của GS. Hồ Ngọc Đại với cải cách tiếng Việt của PGS. Bùi Hiền.
Ông nêu rõ, 2 người nghiên cứu và bàn vấn đề hoàn toàn khác nhau. Cụ thể, với GS. Hồ Ngọc Đại chỉ muốn thay đổi cách dạy học đánh vần trong khi vẫn tôn trọng nguyên trạng chữ Quốc ngữ. Còn với PGS. Bùi Hiền thì muốn thay đổi chữ Quốc ngữ.
Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay: "Tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn tiếng Việt lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành, với chủ trương "một chương trình nhiều sách giáo khoa", tất cả các tài liệu dạy học được đưa vào nhà trường với tư cách là sách giáo khoa đều phải được Hội đồng quốc gia thẩm định".
Tuấn Ngọc