Du lịch Quảng Ninh: Nỗ lực “hồi sinh” sau kỳ “ngủ đông” dài vì COVID-19
Năm 2020 là năm du lịch Quảng Ninh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19. Có thời điểm du lịch đóng băng, nhiều cơ sở, doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên hiện tại Quảng Ninh đã và đang thực hiện nhiều động thái tích cực để vực dậy đồng thời thực hiện chủ trương biến Quảng Ninh thành một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia trong bối cảnh tình hình COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới.
Mục tiêu 2030 đạt 30 triệu khách
Theo thống kê trừ 2 năm do ảnh hưởng của COVID-19 còn lại du lịch quảng Ninh năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong giai đoạn từ 2013 đến 2015, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 21,78 triệu lượt khách, tăng 12,4%; tổng doanh thu trực tiếp từ lĩnh vực du lịch đạt trên 17.885 tỷ đồng, tăng 66% so với giai đoạn 2010 đến 2012, thu xã hội qua hoạt động du lịch ước bằng 0,6 lần thu trực tiếp từ du lịch. Các thị trường khách quốc tế trọng điểm lưu trú tại Quảng Ninh ổn định, trong đó có một số thị trường tăng mạnh như: Anh tăng 37%, Mỹ tăng 25%, Tây Ban Nha tăng 24%. Tổng số nộp ngân sách từ hoạt động du lịch trong giai đoạn 2013 – 2015 đạt 2.780 tỷ đồng, trong đó năm 2015, thu ngân sách từ hoạt động du lịch đạt 1.200 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, ngành du lịch đã có bước tiến phát triển vượt bậc, đóng góp trên 8% vào GDP của tỉnh.
Đặc biệt từ năm 2016 có thể nói là thời kỳ du lịch Quảng Ninh có bước chuyển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch từng bước được cải thiện, chất lượng dịch vụ du lịch được nâng cao, tạo sức hút với đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cũng được ban hành, tạo tiền đề để "đánh thức" ngành du lịch, dịch vụ, vốn trước đây chưa thực sự phát huy hết tiềm năng vốn có trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng quy hoạch. Thực hiện chủ trương quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,du lịch Quảng Ninh thực sự khởi sắc.
Không gian phát triển du lịch được tỉnh Quảng Ninh mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản. Đặc biệt với mô hình phát triển chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh” không gian và các điểm du lịch của tỉnh được mở rộng. Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 đã xác định mục tiêu: Xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh, có năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực và quốc tế….
Với tầm nhìn và sự sáng suốt trong hoạch định chiến lược,năm 2016 Quảng Ninh đón 8,3 triệu lượt khách;năm 2017, "nhắm đích" 8,9 triệu lượt khách du lịch, mang lại tổng thu từ khách du lịch khoảng 13.800 tỷ đồng;năm 2018, du lịch Quảng Ninh đón được trên 12 triệu lượt khách, tăng 24%,tổng thu từ khách du lịch đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng 28,1%.
Đặc biệt năm 2019 tiếp tục được đánh giá là năm có tăng trưởng mạnh của ngành du lịch Quảng Ninh cả về số lượng khách và doanh thu, đóng góp cho ngân sách tỉnh tăng đến 30% so với năm 2018. Năm 2019, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh đã đạt trên 14 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2018, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt. Thời gian lưu trú của du khách đã có những chuyển biến rõ rệt từ 2,16 ngày trong năm 2017 lên 2,74 ngày trong năm 2019.Mức chi tiêu bình quân cho một du khách cũng có thay đổi tích cực, tăng 9% so với năm 2018, đạt 2,1 triệu đồng/lượt khách. Những thay đổi trên đã góp phần đưa tổng doanh thu từ khách du lịch năm 2019 đạt 29.487 tỷ đồng, bằng 125% so với năm 2018, đóng góp vào thu ngân sách nội địa của ngành du lịch đạt 3.568 tỷ đồng tăng 30% so với năm 2018 (chiếm 10,7% tổng thu ngân sách nội địa của toàn tỉnh).
Những con số tăng trưởng hàng năm đã phần nào khẳng định được sự sáng suốt trong hoạch định chiến lược phát triển du lịch nói riêng và kinh tế nói chung của tỉnh, đồng thời khẳng định những bước tiến vững chắc nhanh, mạnh của du lịch Quảng Ninh.Hàng năm du lịch Quảng Ninh cũng đóng góp khoảng 10-11% GDP của tỉnh.
Với đà tăng trưởng này việc Quảng Ninh đặt mục tiêu đến 2030 đạt 30 triệu lượt khách trong đó khách quốc tế đạt 15 triệu lượt là điều hoàn toàn có thể thực hiện được.Nhưng cũng như nhiều địa phương trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới năm 2020,2021 “Bão COVID-19” xuất hiện đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch đề ra.
Nỗ lực “hồi sinh” sau kỳ “ngủ đông” dài
Năm 2020 là năm du lịch Quảng Ninh chịu tác động hết sức nặng nề của đại dịch COVID-19. Có thời điểm du lịch đóng băng, nhiều cơ sở, doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa tạm dừng hoạt động. Theo ước tính của Sở Du lịch, lượng khách đến với Quảng Ninh năm 2020 chỉ đạt hơn 8,8 triệu lượt, bằng 63% so với năm 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt khoảng 2,584 triệu lượt, giảm 56,1% so với cùng kỳ năm trước, bằng 43,9% cùng kỳ năm 2020 và 31,9% so với kế hoạch đề ra.Tổng doanh thu du lịch đạt 5.045 tỷ đồng, giảm 59,1% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 31,1% so với kế hoạch. Nhằm tăng tốc về đích những tháng cuối năm, Quảng Ninh đặt mục tiêu quý 4, đón 2 triệu lượt khách du lịch, đạt tổng doanh thu từ 4.000 đến 4.500 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra ngay sau khi dịch tạm thời được kiểm soát, Quảng Ninh đã nỗ lực “hồi sinh” sau kỳ “ngủ đông” dài vì COVID-19 bằng một loạt những gói kích cầu du lịch. Riêng năm 2020 Quảng Ninh tung ra gói kích cầu du lịch 200 tỷ. Bên cạnh đó tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động du lịch hấp dẫn và giới thiệu các sản phẩm khuyến mãi…. nhằm hút khách du lịch. Chỉ tính riêng trong trong quý IV/2021 Quảng Ninh dự kiến tổ chức 50 sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch cùng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch… Quảng Ninh cũng sẽ sớm hoàn thiện ban hành "Bộ tiêu chí tạm thời về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch", trên cơ sở đó, khẩn trương thiết lập mô hình du lịch an toàn, hạn chế tối đa rủi ro về dịch bệnh cho người dân và du khách.
Nhằm từng bước khơi thông du lịch nội địa, Quảng Ninh đã tận dụng mọi thời điểm, cơ hội, điều kiện an toàn để phát triển du lịch. Tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, không ngừng khẳng định thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn. Đây cũng là tiền đề để tỉnh sớm mở rộng thị trường khách du lịch ở các địa bàn an toàn trong nước, tiến tới đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép.
Theo lộ trình, trong tháng 10/2021, Quảng Ninh sẽ mở lại một số hoạt động du lịch nội tỉnh, gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng, chống dịch; qua đó rút kinh nghiệm để tháng 11/2021 khi tỉnh hoàn thành tiêm vắc-xin phòng COVID-19 diện rộng mũi 2 cho toàn dân, sẽ thí điểm đón khách du lịch nội địa từ các tỉnh, thành phố trong nước đã kiểm soát được dịch.
Phương Thảo
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Tin mới
Hải Phòng: Học sinh toàn thành phố tiếp tục nghỉ học ngày 9/9 để khắc phục hậu quả sau bão
Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hải Phòng (GD&ĐT), học sinh toàn thành phố sẽ tiếp tục nghỉ học ngày 9/9/2024 cho đến khi có thông báo mới để các nhà trường tập trung khắc phục hậu quả sau bão; điều kiện an toàn giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường... chưa đảm bảo.
Công viên địa chất Lạng Sơn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO
Theo thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Lạng Sơn, vào hồi, 15h30, ngày 08/9/2024, trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Phiên họp Hội đồng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO đã tiến hành họp, đánh giá và biểu quyết công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Hải Phòng có 2 người tử vong và 18 người bị thương do bão số 3
Bão số 3 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng trên địa bàn TP. Hải Phòng.
Phú Thọ: Thông báo kế hoạch xả lũ hồ chứa nước Ngòi Giành
Ngày 8/9, Công ty TNHH Nhà nước MTV Khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ có thông báo kế hoạch vận hành xả lũ hồ chứa nước Ngòi Giành (xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), thời gian dự kiến xả lũ từ 19 giờ 00 phút, ngày 8/9/2024.
Thanh Hoá phát lệnh báo động I trên sông Mã
Chiều 8/9, mực nước sông Mã đang lên nhanh, cảnh báo mực nước sông Mã tại Trạm Thuỷ văn Lý Nhân có khả năng đạt mức báo động I (+9.50m) vào khoảng 18 - 20h ngày 8/9/2024.
Công bố quyết định về công tác cán bộ Trường Đại học Hồng Đức
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác cán bộ Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức; Hội đồng trường công bố Nghị quyết bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2024-2029.
Câu chuyện thương hiệu
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào
Thuơng hiệu Than Hà Lầm với công tác bảo vệ môi trường
Hành trình phát triển thương hiệu của Công ty TNHH Dược phẩm và Trang thiết bị Y tế Hoàng Đức
Thế giới số sẽ chia cổ tức 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu
Vietsovpetro góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam