Dự báo kinh tế Việt Nam 2020: Tăng trưởng nhanh và bền vững
Các chuyên gia dự báo, tăng trưởng GDP năm 2020 có thể khả quan, nhưng muốn đạt được mức cận trên hoàn thành chỉ tiêu của Quốc hội, Chính phủ sẽ phải vào cuộc rất quyết liệt. Điều này, đang đặt ra nhiều thách thức cho kinh tế Việt Nam năm 2020.
Sức bật năm 2019
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, không quá khó để nhận ra, Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm thành công, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển KT-XH đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, có 5 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra và quan trọng là năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đã tăng được 10 bậc.
“Năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt khá cao, năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Trong đó, GDP 2019 ước đạt 6,8%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm được kiểm soát ở mức thấp (2,7 - 3%). Quy mô kinh tế mở rộng, đạt khoảng 266,5 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.786 USD (năm 2018 là 2.590 USD).
Đáng nói, chất lượng tăng trưởng duy trì đà cải thiện. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt khá (gần 5,9%), giúp duy trì mức tăng năng suất lao động toàn xã hội bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 5,8%/năm, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (5,5%/năm).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng giảm dần phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng, từng bước chuyển sang dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khá (42,7%).
Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm thấp hơn năm 2018; tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn đạt được “những chuyển biến tích cực, toàn diện” trên nhiều khía cạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận xét: “Đây là năm thứ 2, kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá, đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát được Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,8%, lạm phát đạt dưới 3% và bội chi ngân sách đạt 3,4% GDP, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, khó dự báo được đầy đủ từ trước”.
Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) Đặng Đức Anh nêu quan điểm: Năm 2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, có một làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư sang Việt Nam. Và đây sẽ là cơ hội để Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, cũng như tạo ra những bứt phá trong những năm tiếp theo.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung: Năm 2019, kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước. Đặc biệt, đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng của đất nước, tham gia phát triển kinh tế quốc dân và đang ngày càng chứng minh là một trong 4 trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân…
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn
Những thách thức 2020
Cùng với việc đánh giá cao thành tựu đã đạt được của năm 2019, các phác thảo ban đầu của Kế hoạch phát triển KT-XH 2020 đã được xây dựng và trình Quốc hội.
Mục tiêu được đặt ra rất rõ ràng đó là sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng trưởng nhanh và bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...
Tuy nhiên, báo cáo Quốc hội, Chính phủ chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 (tương đương 2019). Tương đương về con số, nhưng nếu đặt trên nền tảng GDP của năm 2019, cũng như đặt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro lớn, thì tốc độ tăng trưởng như vậy là khá thách thức.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Vũ Tiến Lộc cũng tỏ ra lo ngại, mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc. Kinh tế 2019 đang duy trì đà tăng trưởng tốt, nhưng nhìn về tầm nhìn 2020 và những năm tiếp theo, chúng ta chưa thể yên tâm.
Theo ông Lộc, trong bối cảnh nhiều dự báo cho thấy, kinh tế thế giới có thể sẽ chạm “ngưỡng suy thoái toàn cầu” với một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu, mục tiêu tăng trưởng 6,8% không biết có khả thi không?
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) còn bày tỏ sự quan ngại dù tăng trưởng trung bình của Việt Nam vẫn cao so khu vực và thế giới, song xét về con số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam. Đó là lý do ông Hàm nhắc đến một sự “tụt hậu ngày càng xa hơn về kinh tế”.
Ông Joirt Listl, Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam bày tỏ: Sức ép về cắt giảm thuế quan, sức ép về cải cách thể chế đang là những thách thức, những khó khăn trong năm 2020 và những năm tiếp theo mà chúng ta buộc phải thực hiện.
Không thể chủ quan
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) nhận định, kinh tế Việt Nam, trong trung hạn sẽ đối mặt nhiều khó khăn, rủi ro và thách thức. Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực do kinh tế toàn cầu giảm tốc khi bảo hộ thương mại và xung đột thương mại gia tăng.
Trong nội tại nền kinh tế, các vấn đề mang tính cơ cấu như tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công chậm, khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN còn chậm, xử lý nợ xấu ngân hàng còn khó khăn… Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn.
Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistics còn cao. Kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng. Các DN trong nước, đặc biệt là DNNVV chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cũng cho biết, việc tham gia ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ tác động sâu rộng tới nền kinh tế Việt Nam, không chỉ nằm trong lĩnh vực trao đổi, xuất nhập khẩu, mà còn liên quan đến cách thức sản xuất ra hàng hóa để trao đổi.
Các chuyên gia Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng cao đột biến, nhưng đang có dấu hiệu chậm lại ở nhiều thị trường chủ chốt khác. Có một hiện tượng là xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ tăng mạnh, nhưng đi kèm với nhập khẩu từ Trung Quốc, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm. Vì thế, các cơ quan quản lý phải theo dõi sát sao về tình hình thị trường, nguồn lực, động lực để có quyết sách đúng đắn cho kinh tế phát triển.
Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Lê Xuân Sang cho rằng, các ngành chức năng cần củng cố các động lực tăng trưởng từ nội tại. Hai cấu phần được nhắc đến nhiều nhất là nội lực của khu vực kinh tế tư nhân và tổng cầu trong nước. Xuất khẩu hàng hóa có xu hướng chậm lại, do tác động của chiến tranh thương mại, nhưng điều này sẽ được bù đắp bởi tiêu dùng trong nước. Đây là một yếu tố được xem là lực đẩy cho kinh tế trong năm tới.
Bùi Quyền
Tin mới
UNICEF vận chuyển khẩn cấp viên lọc, bồn chứa nước tới Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai
UNICEF làm việc tại các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 để xác định nhu cầu cấp bách và cung cấp nước sạch cho ba tỉnh miền Bắc bị mưa lũ ảnh hưởng nặng nề nhất.
Cà Mau kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
VNPT triển khai gói hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trị giá 50 tỷ đồng
Ngày 12/9/2024, tại Hà Nội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) và công bố gói hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trị giá 50 tỷ đồng.
TP. HCM tổ chức Đối thoại Hữu nghị và Diễn đàn Kinh tế 2024: Tập trung vào chuyển đổi công nghiệp
UBND Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) vừa tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về sự kiện Đối thoại Hữu nghị và Diễn đàn Kinh tế TP. HCM năm 2024. Hai sự kiện này, sẽ diễn ra trong tháng 9 với trọng tâm về chuyển đổi công nghiệp, một trong những động lực phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
Tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tháng 9/2024
Cục Phòng vệ thương mại vừa phát đi thông báo về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tháng 9/2024.
BMW triệu hồi quy mô lớn với hơn 1,53 triệu xe trên toàn cầu
BMW vừa công bố một đợt triệu hồi quy mô lớn với hơn 1,53 triệu xe trên toàn cầu do một lỗi nghiêm trọng, động thái này có thể khiến hãng thiệt hại lên tới 1 tỷ USD.
Câu chuyện thương hiệu
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới
Bình Điền xuất khẩu phân bón NPK Đầu Trâu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho nông dân Lào