Bài 3: “Chợ trời địa ốc” vẫn lộng hành ở Trảng Bom
Lợi dụng quỹ đất còn nhiều, tốc độ đô thị hoá nhanh, kết nối giao thông tốt và đặc biệt là đại dự án sân bay Long Thành, họ nhanh chóng thu gom đất và tự phân lô rao bán. Một thực tế là phía sau hàng chục, hàng trăm dự án “ma”, thường có bàn tay tiếp sức của một thế lực nào đó nếu không sao có thể ngang nhiên mà vẽ dự án với số lượng lô nền khủng đến vậy.
‘Dự án ma’ bủa vây Sông Trầu
Tại huyện Trảng Bom, những ngày này xe hơi liên tục ra vào khu vực các xã Sông Trầu, Bàu Hàm, An Viễn để giao dịch mua bán đất nền.
Một chiêu thức thường thấy đó là một bên thu gom đất rồi giao bên kia bán. Bên bán, thực chất chỉ là môi giới, “cò” nhưng tự nhận mình là “chủ đầu tư”, tổ chức sự kiện, tự vẽ quy hoạch trên đất nông nghiệp. Sự thật đằng sau những “dự án đình đám” đó chỉ là các thửa đất nông nghiệp, chưa được chuyển mục đích sử dụng, chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép...
Công ty TNHH Tư vấn địa ốc Đại Thành có địa chỉ số 19D, Nguyễn Hữu Cảnh, KP3, TT Trảng Bom, huyện Trảng Bom, Đồng Nai, là một trong số này.
Hợp đồng đặt cọc của Công ty địa ốc Đại Thành
Công ty TNHH Tư vấn địa ốc Đại Thành đã thu gom hơn 20 thửa đất tại tờ số 26 có diện tích 26729.9m2. Tuy hầu hết là đất nông nghiệp và chưa hề làm thủ tục xin phép thành lập dự án khu dân cư, không xin chủ trương, giới thiệu địa điểm, quy hoạch chi tiết 1/500… nhưng Công ty TNHH Tư vấn địa ốc Đại Thành đã tự vẽ tên dự án Sông Trầu - Vườn Bưởi, sau đó nhanh miệng rao bán.
Tuy nhiên, độ “quái” trong một số dự án “ma” khác còn ghê gớm hơn. Xin nêu một ví dụ để thấy được người mua đã bị dẫn dụ như thế nào. Dự an Đồng Nai Garden do Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Winland có địa chỉ tại 33 Trần Não, khu phố 3, Phường Bình An, Quận 2, Tp.HCM làm chủ đầu tư. Theo quảng cáo chỉ cần 1.2- 1.5 triệu/m2 là đã có sổ hồng liền tay, khu dân cư đông, đầu tư sinh lời cao, cam kết giá tốt nhất, và chiết khấu đến 6%. Khu đất này được các đầu nậu thu gom từ các thửa đất số 208, và 209 tại tờ bản đồ số 26. Đây thực chất là đất trồng cây lâu năm được cấp cho các hộ dân, lợi dụng việc xin cải tạo đất đã vẽ ra các dự án ma, phân lô bán nền trái phép.
Không chỉ có Công ty TNHH Tư vấn địa ốc Đại Thành , Công ty Cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Winland mà Công ty Bất động sản Hưng Phát cũng nhanh chân vẽ ra một dự án có tên Dự án khu dân cư Sông Trầu. Ngang nhiên làm đường, đấu điện phân hàng ngàn lô nền với nhiều vị trí, lập bản đồ, vẽ dự án đánh lừa khách hàng.
Bên cạnh chiêu thức tổ chức quảng bá, môi giới, tư vấn, tiếp thị gian dối... những kẻ bán 'bánh vẽ' đã “vẽ” ra các dạng hợp đồng để khách hàng tin tưởng, như: “Hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng bất động sản”…
Hàng loạt dự án chuyển cơ quan điều tra
Từ ngày 1/8/2019, Trảng Bom chính thức công bố trở thành đô thị loại 4, tiến đến trở thành thị xã và trở thành đô thị loại 3 vào năm 2025. Với những thông tin tích cực trên, thị trường bất động sản nơi đây vốn dĩ sôi động lại càng bước vào giai đoạn sôi động hơn.
Theo quy hoạch đô thị, Trảng Bom sẽ trở thành thị xã trong giai đoạn từ 2020 – 2025 và trở thành đô thị loại 3 trong vài năm sau đó. Trảng Bom đang chuyển mình trở thành địa phương thu hút đầu tư hàng đầu của tỉnh Đồng Nai, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản...
Hàng loạt dự án ma trên địa bàn vẫn được các đầu nậu phân lô
Cùng với những dự án được quy hoạch thì cũng không ít dự án có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Xin nêu một ví dụ để thấy dự án ‘ma’ đang lộng hành ở Trảng Bom và đã được CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý điều tra.
Theo cơ quan công an trong năm 2018, Đồng Nai có 6 dự án chuyển cơ quan công an thì Trảng Bom có đến 3 dự án đó là: Dự án Gold Hill tại huyện Trảng Bom, do Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Long Kim Phát làm chủ đầu tư. Sau đó Long Kim Phát đã ký hợp đồng tư vấn, môi giới BĐS với một doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp này đã tự ý nâng khống giá bán lên gần gấp đôi so với giá chủ đầu tư đưa ra. Chưa kể nhiều thông tin về tiện ích, hạ tầng về dự án cũng không đúng so với thực tế mà khách được tư vấn, giới thiệu.
Ngoài ra còn có dự án Khu dân cư Diamond City (hay còn gọi là dự án khu dân cư xã Đồi 61 thuộc thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) do Công ty TNHH Lê Hương Sơn làm chủ đầu tư. Dự án Khu dân cư Boulevard City (huyện Trảng Bom) do Công ty CP Đầu tư Lê Bảo Minh làm chủ đầu tư....
Bên cạnh chiêu thức tổ chức quảng bá, môi giới, tư vấn, tiếp thị gian dối... cò mồi còn “vẽ” ra các dạng hợp đồng để khách hàng tin tưởng, như: “Hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; “Hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng bất động sản”…
Sau khi đã “dụ” được khách hàng sẽ dùng chiêu trò đổi tên dự án, đổi tên chủ đầu tư để không truy được dự án của ai, vẽ lại quy hoạch 1/500, thêm tiện ích mà dự án không có, nâng giá bán lên gấp rưỡi đến gấp đôi, sử dụng “cò mồi, xã hội đen” uy hiếp khi khách hàng phát hiện sai phạm, đấu tranh bảo vệ quyền lợi...
Bên cạnh đó, các hợp đồng giữa khách hàng với những công ty này được ký bằng hình thức hợp đồng đặt cọc giữ chỗ, hợp tác đầu tư, góp vốn. Những hình thức đó theo quy định không được phép trong kinh doanh BĐS. Điều khoản đặt cọc của nhiều công ty đưa ra cũng rất oái oăm là đặt tới 50 – 70% giá trị hàng hóa được bán, nếu trong 15 ngày mà không nộp tiền đợt tiếp theo thì sẽ bị mất luôn tiền cọc.
Chính những hành động này của một số môi giới làm ăn chụp giật, đã làm nhiễu loạn thị trường BĐS, gây tiếng xấu cho các doanh nghiệp môi giới hành nghề chân chính, làm người dân cả tin bị “sập bẫy”, mất niềm tin...
UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quy định mới về tách thửa nhằm siết chặt việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 1/3/2018. Theo đó, đất nông nghiệp ở các phường, xã Hóa An, Tân Hạnh, Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa), các phường thuộc TX. Long Khánh, các thị trấn thuộc huyện có diện tích tối thiểu khi tách thửa đất là 500 m2. Những xã còn lại, diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 1.000 m2.
Tuy nhiên, có vẻ những quy định này không có tác dụng đối với các đầu nậu chuyên phân lô, bán nền. Khi mà hàng chục ngàn m2 đất nông nghiệp vẫn ngày đêm bị sẻ thịt, nếu không có sự tiếp tay của một số cán bộ có chức quyền cơ quan chức năng, thì liệu rằng, ai có thể làm được những điều đó?
TH&CL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Hải Dương