Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, động lực tăng trưởng trong năm 2023 đó là giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân vốn đầu tư công có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, kể cả thanh khoản của các tổ chức tín dụng và cơ hội tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Vì thế, đây sẽ là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Ảnh internet
Ảnh internet.

Song, để thúc đẩy giải ngân dòng vốn này, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung,, chúng ta cần có cách tiếp cận mới, cách tiếp cận mới này phải được nhìn nhận từ khi xây dựng kế hoạch đầu tư công, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và quá trình triển khai thực hiện. Cách tiếp cận mới có thể tập trung vào 02 nội dung. Thứ nhất, cần xây dựng nhiều dự án quan trọng quốc gia liên vùng, mà những dự án này không thể không làm. Ví dụ như dự án vành đai 3, 4 ở TP. Hồ Chí Minh, dự án sân bay Tây Sơn Nhất, sân bay Long Thành... đó là những dự án không thể không làm, mà khi làm cũng không cần “thủ tục” rườm rà, mà chỉ tập trung vốn, nguồn lực để triển khai càng sớm càng tốt, lấy hiệu quả lên hàng đầu.

Thứ hai, cần lấy hiệu quả làm thước đo để đánh giá người đứng đầu, cơ quan khi thực hiện triển khai dự án đầu tư công. Cùng với đó là những cơ chế khuyến khích, đánh giá một cách khách quan để người đứng đầu bộ, ngành, địa phương thấy những nỗ lực của họ thực sự được ghi nhận và họ muốn đóng góp cho giải ngân vốn đầu tư công. Nếu làm được như vậy, dòng vốn đầu tư công sẽ được khơi thông và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, mở ra cơ hội hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2023.

Bằng chứng là cả 03 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023, Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước các cấp (Bộ Tài chính) quyết định vẫn tổ chức thanh toán, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022; các Ban quản lý dự án của Bộ Giao thông - Vận tải cũng vẫn tổ chức làm 3 ca 4 kíp… nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng phát động thực hiện “Tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công” ngay từ đầu năm 2023, với tinh thần làm việc xuyên Tết, xuyên nghỉ lễ, không ngại khó, không ngại khổ, "nguồn lực càng lớn thì trách nhiệm và áp lực càng cao". Cùng nhau thực hiện các giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhằm đạt được mục tiêu Chính phủ đã đề ra, qua đó góp phần thực hiện thành công hơn nữa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và từng bước hiện thực hóa đột phá chiến lược về phát triển cơ sở hạ tầng.

Số liệu từ Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/12/2022 là 435.689,97 tỷ đồng, đạt 67,27% kế hoạch, đạt 75,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 là 77,30%. Trong đó, vốn trong nước là 424.052,69 tỷ đồng, đạt 69,16% kế hoạch và đạt 77,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn nước ngoài là 11.637,28 tỷ đồng, đạt 33,65% kế hoạch.

Có 12 Bộ, cơ quan trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Hội Nhà văn (100%), Thanh tra Chính phủ (100%), Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam (100%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (99,47%), Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (92,62), Ninh Bình (96,7%), Hà Nam (94,3%), Bình Định (93,6%), Kiên Giang (90,6%), Phú Thọ (90,3%)...

Vân Quỳnh (t/h)