Dự án BOT: Cùng chia sẻ rủi ro - Hình 1

Bảo lãnh để chia sẻ rủi ro (Ảnh minh họa)

BOT & những quy định đặt ra

Trước hết đó là rủi ro liên quan đến giao mặt bằng sạch cho NĐT - một trong những rủi ro khá phổ biến của các dự án đầu tư ở Việt Nam nói chung và dự án BOT.

Theo quy định hiện hành, nếu Nhà nước có mặt bằng sạch, sẽ giao cho NĐT; trường hợp không có mặt bằng sạch thì Nhà nước (địa phương) sẽ hỗ trợ thực hiện công tác GPMB, tái định cư cho NĐT, chi phí GPMB, tái định cư sẽ được tính vào tổng mức đầu tư của dự án; trong một số trường hợp, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí GPMB, tái định cư cho dự án.

Đối với các dự án BOT nhiệt điện, các địa phương khá tích cực trong tổ chức, thực hiện công tác GPMB, tái định cư để giao đất sạch theo đúng cam kết với NĐT.

 Riêng đối với các dự án BOT đường bộ vẫn còn hiện tượng địa phương không giao đất sạch theo đúng tiến độ cam kết trong hợp đồng BOT, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và phương án tài chính của dự án BOT. Pháp luật không có quy định địa phương phải chịu trách nhiệm về tài chính đối với NĐT trong trường hợp không giao đất cho dự án theo tiến độ. Điều này tạo ra rủi ro khá lớn cho các NĐT PPP.

Rủi ro liên quan đến đầu vào, đầu ra của dự án: Căn cứ vào tính chất và yêu cầu thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ chỉ định cơ quan thay mặt Chính phủ bảo lãnh cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và các nghĩa vụ hợp đồng khác cho NĐT, DN dự án hoặc các DN khác tham gia thực hiện dự án và bảo lãnh nghĩa vụ của các DNNN bán nhiên liệu, nguyên liệu, mua sản phẩm, dịch vụ của NĐT, DN dự án. Chính phủ bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ cho NĐT, song khả năng đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ phụ thuộc vào từng thời điểm cụ thể; Việt Nam không bảo lãnh tỷ giá ngoại hối.

Đối với các dự án BOT đường bộ: Hợp đồng BOT đường bộ không có các hợp đồng bảo lãnh các yếu tố đầu vào hay lưu lượng, doanh thu kèm theo các hợp đồng BOT như ngành điện. NĐT chịu hầu hết các rủi ro liên quan trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Đồng thời, Chính phủ cam kết sẽ bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ cho NĐT, song không quy định tỷ lệ tối thiểu như các dự án BOT nhiệt điện.

Bảo lãnh để chia sẻ rủi ro

Thời gian qua, nhiều NĐT và các tổ chức tài chính quan tâm nhiều đến hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP. Tuy nhiên, NĐT nước ngoài cho rằng, thị trường PPP ở Việt Nam chưa phát triển, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, họ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cho phép áp dụng nhiều hình thức bảo lãnh để chia sẻ rủi ro cho các NĐT như cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh tỷ giá hối đoái, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ…

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2017 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017, Chính phủ chỉ đạo Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương để sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến công tác đấu thầu và PPP; nghiên cứu trình Quốc hội Luật Đầu tư theo hình thức PPP.

Từ đó, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế chia sẻ rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và tư nhân để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, phù hợp với bối cảnh của Việt Nam là một đòi hỏi chính đáng, cần được quan tâm. Theo đó, cần nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP, theo hướng:

Khu vực nhà nước chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro: Rủi ro liên quan đến thay đổi chính sách, chính trị; rủi ro liên quan đến GPMB, tái định cư; rủi ro bất khả kháng liên quan đến thiên tai, địch họa; rủi ro liên quan đến bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ (đòi hỏi chính đáng của NĐT, nhất là NĐT nước ngoài). Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ không đảm bảo được chuyển đổi 100% nhu cầu của NĐT, vì thế, cần nghiên cứu để có hướng tăng tỷ lệ bảo lãnh khoảng trên 70% nhu cầu cho NĐT.

Khu vực tư nhân chịu trách nhiệm giải quyết các rủi ro: Rủi ro về thiết kế, xây dựng, huy động nguồn vốn đầu tư; rủi ro liên quan đến doanh thu; rủi ro liên quan đến tỷ giá hối đoái./.

Duy Thế