Đồng Tháp tập trung phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Đồng Tháp tập trung phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng bền vững (Ảnh: KT)

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, trọng tâm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông lâm thuỷ sản; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và nông thôn theo chuỗi giá trị và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương; đẩy mạnh chuyển tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; khẩn trương tham mưu đề án “Xây dựng tỉnh Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đai, nông dân văn minh”; Đề án “Nâng cao thu nhập cho người trồng lúa tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2030”.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học công nghệ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, công bố nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp; thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, công nghệ cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch nông thôn phù hợp với điều kiện, lợi thế của các huyện, thành phố; phát huy hiệu quả các mô hình hợp tác, liên kết giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đối với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh yêu cầu tiếp tục theo dõi và tổ chức thực hiện hoạt động khoa học công nghệ đang triển khai phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành liên quan triển khai công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh.

Ứng dụng tiến bộ mới trong kỹ thuật nuôi trồng; đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ bảo quản, sơ chế, chế biến, tái sử dụng phụ phẩm làm gia tăng giá trị nông sản; hỗ trợ công tác xây dựng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn của địa phương phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, giao Sở Công Thương triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Công nghiệp gia tăng năng lực sản xuất của ngành chế biến (chế biến gạo, thuỷ sản đông lạnh, thức ăn chăn nuôi và các sản phẩm chế biến từ trái cây, rau, cũ quả).

Vận dụng linh hoạt các chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác và Hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và kết nối với các vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị ngành hàng.

Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh trong triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thẩm định giải pháp kỹ thuật triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp để góp phần nâng cao năng lực quản lý ngành nông nghiệp, giúp người sản xuất dễ dàng tiếp cận thông tin về thị trường, khoa học và công nghệ.

Yến Linh (T/h)