Phí học online có trường lên đến 65%
Mới đây một số phụ huynh Trường Tiểu học -THCS - THPT Nguyễn Vĩnh Ký đã có những băn khoăn về việc trường này tổ chức thu học phí online ở thời điểm này.
Theo đó ngày 30/3/2020, Trường Tiểu học -THCS - THPT Nguyễn Vĩnh Ký phát đi thông báo về việc Hỗ trợ học phí dạy trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch bệnh Covid - 19. Trong thông báo nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian nghỉ học kéo dài, để đảm học sinh không mất kiến thức và chuẩn bị sẵn sàng quay trở lại trường. Học sinh cần phải ôn tập kiến thức, tiếp tục nội dung học và kiểm tra, đánh giá thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trường TH-THCS-THPT Trương Vĩnh Ký đã và đang tổ chức học trực tuyến cho học sinh để đảm bảo kiến thức.Thông báo thu học phí của trường Trương Vĩnh Ký (Ảnh: XT)
Để tăng cường chất lượng giảng dạy trực tuyến, nhà trường đã đầu tư thêm trang thiết bị như máy tính, webcam, đường truyền Internet, ứng dụng hỗ trợ giảng dạy có trả phí riêng từng lớp để đảm bảo chất lượng học tốt nhất cho học sinh. Mỗi giáo viên khi đến trường dạy học trực tuyến soạn giáo án, bài giảng đầy đủ. Nhằm duy trì nguồn kinh phí để trả lương cho giáo viên và trang bị thiết bị dạy học trực tuyến, nhà trường thông báo đến quý phụ huynh học sinh về việc Hỗ trợ học phí dạy trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ để phòng chống dịch bệnh Covid - 19 của khối Tiểu học như sau:
Khối 1, 2, 3, 4 niên khóa 2019-2022, tháng 3 thu từ 16/3 là 375.000 đồng, tháng 4 là 750.000 đồng. Riêng đối với lớp 2a4 học sinh nhập học năm 2018, 1/2 tháng 3 thu 250.000đồng và tháng 4 thu 500.000 đồng, còn học sinh nhập học 2019, thu 1/2 tháng 3 là 375.000 đồng và tháng 4 là 750.000 đồng.
Đặc biệt không áp dụng các chế độ miễn giảm học phí.
Trong giải đáp ý kiến của PHHS các cấp 1, 2, 3 Hội đồng Quản trị nhà trường đã lý giải: Việc dịch bệnh là sự việc ngoài sức tưởng tượng của xã hội và mong muốn mọi người chung tay chia sẻ khó khăn, giáo viên cần lương để sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Học phí đề nghị PHHS đóng góp trong thời gian dạy trực tuyến này là sự chia sẻ, hỗ trợ chưa phải là thu đủ để trả lương cho giáo viên. Giáo viên nước ngoài phải trả lương, học sinh mỗi lớp phải tách đôi để dạy. Hệ thống dạy học online cần nhiều thiết bị như phải mua phần mềm, hệ thống wifi phải mạnh, hệ thống máy và nhận sự phục vụ cho hệ thống... Đồng thời cũng bày tỏ mong muốn PHHS đồng hành, thông cảm và chia sẻ những khó khăn cùng nhà trường...
Nhiều phụ huynh cho rằng mức thu này không hợp lý. Đối với bậc tiểu học đã lên đến 30-40%, vậy thì các học sinh cấp 2, cấp 3 sẽ có mức thu như thế nào?
Tương tự Trường TH-THCS-THPT Song Ngữ Á Châu ở TP Biên Hòa ngày 16/3/2020 cũng có thông báo gửi tới PHHS về việc thu phí học tập online từ tháng 3/2020. Cũng với tinh thần PHHS chia sẻ với mức phí cao ngất ngưởng cụ thể Tháng 3 khối tiểu học và THCS thu 35% trên tổng mức học phí tháng 3 riêng khối THPT thu 65% trêm tổng mức học phí tháng 3 và tháng tư đồng loạt thu 65%. Tính ra mỗi học sinh sẽ phải đóng hơn 4 triệu đồng tiền học cho thời gian học trực tuyến...Trường song ngữ Á Châu cũng có mức tạm thu cao ngất ngưởng lên đến 65% (Ảnh: HD)
Liệu có trên tình thần tự thỏa thuận?
Được biết thời gian qua, các địa phương, cơ sở giáo dục đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Một số trường tổ chức dạy học trực tuyến và thông báo thu tiền của phụ huynh nhưng bị phản ứng.
Ngày 17/3/2020, dẫn lời trên báo Thanh niên, ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ GD-ĐT, lý giải việc thu học phí thực hiện theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.
Theo đó, không thực hiện thu học phí đối với tháng học sinh được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, cũng như học phí đối với tháng đi học bù, đồng thời đảm bảo việc thu học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục thường xuyên, đào tạo thường xuyên theo số tháng thực học. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, học phí được thu 9 tháng/năm; đối với cơ sở giáo dục đại học, học phí được thu 10 tháng/năm. Đối các trường ngoài công lập, thực hiện việc thu học phí theo thỏa thuận từ trước với phụ huynh học sinh.
Còn đối với các dịch vụ hỗ trợ học online và hướng dẫn học trong thời gian nghỉ dịch, đây là dịch vụ phát sinh ngoài chương trình học chính khóa, do đó việc này do phụ huynh học sinh và nhà trường tự thỏa thuận với nhau, không tính bù vào chương trìnhhọc và thu học phí thêm.
Ông Khánh khẳng định Bộ GD- ĐT chỉ quy định việc thu học phí các chương trình đào tạo theo quy định của Bộ. Đối với các chương trình bổ trợ khác như củng cố kiến thức qua online… thì việc quy định mức thu cho các loại hình bổ trợ này là thỏa thuận tham gia và đóng chi phí giữa nhà trường và gia đình học sinh. Bộ GD- ĐT không quy định chương trình và mức thu cho các chương trình bổ trợ này.
Cũng có ý kiến của PHHS cho hay: “Nếu trường công có ngân sách nhà nước chi trả thì đương nhiên dạy học online sẽ không thu tiền. Thế nhưng nếu muốn công nhận kết quả học online, tức là giáo viên phải dạy rất bài bản và tâm huyết để có kết quả thực sự mà không cho các trường tư thu tiền thì trường tư lấy gì trả lương cho giáo viên khi họ vẫn ngày đêm cống hiến và thiết kế bài giảng phục vụ học sinh?”.
Trái ngược với quan điểm trên, một phụ huynh khác lại cho rằng: “Trường tư hay trường công cũng đều thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chịu sự quản lý của Sở GD-ĐT Đồng Nai. Tại sao Sở GD-ĐT Đồng Nai đã có bài giảng trực tuyến trên truyền hình rồi sao còn phải dạy online để thu tiền? Trong khi dịch bệnh diễn ra, nhiều lao động mất việc làm, nhiều gia đình cũng rất khó khăn nhất là thời điểm cách ly xã hội như hiện tại.
Có thể nói việc thu phí để dạy và học online gần như chưa có tiền lệ. Vậy các trường cần phải thu thế nào cho đúng? Trả lời vẫn đề này đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: “Do đây là dịch vụ thỏa thuận nên việc thu hay không tùy thuộc vào các trường và phụ huynh thỏa thuận với nhau trên cơ sở có chi phí hợp lý nhất để triển khai các dịch vụ này; tránh tình trạng học sinh, sinh viên nghỉ học quá dài do tình thế khách quan nghỉ chống dịch.
Bộ GD-ĐT không thể hướng dẫn việc này vì đây là các hoạt động ngoài kế hoạch và chương trình, các nhà trường phải căn cứ nội dung, khối lượng công việc để xây dựng tính toán mức thu hợp lý, thu đủ bù chi cho các dịch vụ chứ không thể thu theo học phí, đồng thời phải thông báo công khai và thỏa thuận với phụ huynh học sinh trước khi triển khai”.
Quay trở lại trường Trương Vĩnh Ký (TP. Long Khánh) và Trường TH-THCS-THPT Song Ngữ Á Châu (TP Biên Hòa) ở tỉnh Đồng Nai đối với khối tiểu học nhà trường cũng cho học sinh tiếp cận phần mềm Zoom và đôn đốc học sinh tuân thủ lịch học trên truyền hình, vậy nhà trường đã thực hiện thỏa thuận với phụ huynh học sinh theo phương thức nào? Và đối với những PHHS không đồng ý đóng tiền thì sẽ sử lý ra sao? Các em sẽ được các thầy cô hỗ trợ việc học như thế nào? Nhất là trong giai đoạn hiện nay rất nhiều lao động mất việc, nhiều gia đình khó khăn.
Mặc dù Bộ GD&ĐT đã có lối mở cho các trường tư thục nhưng trên tinh thần tự thỏa thuận nhưng nhiều PHHS cũng tỏ ra băn khoăn liệu các trường có tranh thủ trục lợi hay không khi mà mức phí có trường lên đến 65% như thế này trong khi đời sống người dân đang gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh, nhiều người mất việc như hiện nay! Và liệu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chỉ có 2 trường này hay còn nhiều trường khác nữa cũng đang ra những bản thông báo kêu gọi sự chia sẻ của phụ huynh học sinh với mức phí từ 40% đến 65% học phí như thế này? Không biết các phòng giáo dục trên địa bàn có nắm được vấn đề này cũng như tâm tư nguyện vọng của phụ huynh học sinh hay không?
Hải Dương