Đổi mới các văn bản luật: Chờ gỡ vướng cho doanh nghiệp
Những năm qua, công tác thanh tra chống chuyển giá được cơ quan thuế tăng cường. Việc đổi mới các văn bản luật, mặc dù tạo sự thuận lợi, nhưng vẫn còn bất cập khiến DN gặp khó trong triển khai thực hiện. Liên quan vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc - CT Hội Tư vấn thuế Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VIAC.
Bà đánh giá như thế nào về sự đổi mới trong công tác thanh tra chống chuyển giá, trốn thuế của các cơ quan nhà nước?
Kể từ năm 2016, thời điểm áp dụng biện pháp quản lý rủi ro, công tác thanh tra chống chuyển giá được cơ quan thuế tăng cường. Trong năm này, đã thanh tra 329 DN có giao dịch liên kết và truy thu được 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162 tỷ. Đặc biệt, 23 trường hợp vi phạm ở mức hình sự năm 2017, khi thanh tra 734 DN có hoạt động giao dịch liên kết đã truy thu, truy hoàn, phạt 2.270 tỷ, giảm lỗ được 7.146 tỷ.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam
Từ 1/5/2017, thực hiện theo NĐ số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 và Thông tư số 41/2017/TT-BTC quy định về quản lý thuế đối với các đơn vị có giao dịch liên kết, các DN đã xác định tìm kiếm lợi nhuận, tăng hiệu quả kết quả sản xuất, kinh doanh thông qua các biện pháp tích cực như tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm thay vì tìm kiếm phương pháp tối đa hóa lợi nhuận bằng biện pháp chuyển giá, vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro, vừa không bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh với các DN cùng tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong quá trình triển khai nghị định và thông tư nói trên, DN đã cảm nhận được quan điểm đổi mới của tinh thần văn bản mới. So với Thông tư 66/2010/TT-BTC, một số nội dung đã được thuận lợi, rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, nghị định và thông tư mới còn có một số vấn đề khiến DN gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Một số vướng mắc không chỉ dừng lại ở DN, mà còn diễn ra đối với cơ quan thuế trong quá trình thực thi.
Bà có thể chỉ ra những điểm thuận lợi?
Tôi thấy rằng, quy định mới đã định nghĩa về các bên có quan hệ liên kết rõ ràng và minh bạch hơn.
Mối quan hệ liên kết trong trường hợp kiểm soát đầu vào và đầu ra đã được loại bỏ. Nội dung thay đổi này đã xử được lý các vướng mắc thường tranh chấp giữa các DN và cơ quan thuế trước đây.
Ngoài ra, ngưỡng xác định tỷ lệ vốn, tỷ lệ nợ trên vốn trong xác định mối quan hệ liên kết được sửa đổi. Theo đó, tỷ lệ góp vốn trực tiếp và gián tiếp tăng từ 20% lên 25%, tỷ lệ nợ trên vốn góp chủ sở hữu trong trường hợp bảo lãnh từ tập đoàn hoặc bất kỳ khoản vay nào tăng từ 20% lên 25%.
Tại quy định mới, một số khái niệm, nguyên tắc mới phù hợp với hướng dẫn của OECD và các chương trình hành động BEPS. Ví dụ, quy định các trường hợp miễn trừ nghĩa vụ kê khai và lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết đã hướng dẫn chi tiết các trường hợp chi phí dịch vụ được trừ, không được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN. Trong đó, có khoản chi phí lãi vay giữa các bên liên kết.
Vậy những vấn đề nào trong quy định mới khiến DN gặp khó trong triển khai thực hiện?
Quy định về các bên có quan hệ liên kết tại NĐ 20/2017/NĐ-CP dẫn đến chưa rõ ràng đối với các tổng công ty, tập đoàn có quan hệ liên kết đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, cùng chịu một mức thuế suất thuế thu nhập DN nên không có động cơ chuyển giá nhằm mục đích hưởng lợi về thuế thu nhập DN.
Bên cạnh đó, quy định về mức trần trên tổng chi phí lãi vay là phù hợp với thông lệ quản lý thuế quốc tế, tuy nhiên chỉ áp dụng đối với các DN có quan hệ liên kết, không áp dụng với các DN khác không có quan hệ liên kết dẫn đến chưa bình đẳng giữa các DN với nhau. Ngoài ra, trong thực hiện, quy định khống chế tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế, thậm chí giữa cơ quan thuế với nhau.
Chẳng hạn như trường hợp của Cục Thuế Hà Nội có công văn hướng dẫn rằng, chi phí lãi vay xác định theo nguyên tắc nêu trên là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập). Thế nhưng, Cục Thuế Bình Dương lại hướng dẫn: “Trong năm có phát sinh giao dịch với bên có quan hệ liên kết, thì việc xác định chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN đối với giao dịch liên kết này được thực hiện theo quy định tại điểm 3, Điều 8 - NĐ 20/2017/NĐ-CP”.
Có cục thuế hướng dẫn rằng, các đợn vị thuộc đối tượng có quan hệ giao dịch liên kết theo quy định của NĐ 20/2017/NĐ-CP thì mức khống chế tỷ lệ chi phí lãi vay áp dụng cho tất cả các khoản vay của DN; không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập. Nhưng có cục thuế lại hiểu mức khống chế tỷ lệ chi phí lãi vay chỉ áp dụng cho các khoản vay của DN phát sinh từ các bên có giao dịch liên kết, không áp dụng với các bên độc lập.
Trong khi Tổng cục Thuế, trong một hội nghị đối thoại lại cho rằng: Chi phí lãi vay khống chế là tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của DN (không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ các bên liên kết hay từ các bên độc lập).
Một khó khăn nữa của DN khi thực hiện quy định mới đó là việc phải cung cấp được báo cáo lợi nhuận liên quốc gia. Trường hợp không cung cấp được, quyền ấn định của cơ quan thuế, xử lý vi phạm như thế nào cũng chưa thực sự rõ ràng. Hay như việc cung cấp hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin, cũng là một vấn đề gây khó khăn cho DN.
Nhiều DN cho rằng, tỷ suất lợi nhuận thuần trước lãi vay và thuế thu nhập DN trên doanh thu là khá cao (5% đối với hoạt động phân phối, 10% đối với sản xuất, 15% đối với hoạt động gia công) và tỷ suất lợi nhuận còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác (ví dụ DN mới thành lập, địa bàn hoạt động, lĩnh vực hoạt động...).
Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, quy định về thủ tục hồ sơ trong triển khai cũng khá rườm rà, gây nhiều khó khăn. Nếu theo quy định này, DN chắc chắn phải lưu giữ đầy đủ chứng từ khi liên kết mua tài sản cố định từ bên thứ 3 bán lại cho DN Việt Nam. Việc này, thực sự khó khăn khi DN phải đầu tư rất nhiều tài sản dẫn đến tốn nhiều thời gian tuân thủ… Mặt khác, NĐ 20/2017/NĐ-CP có nêu ra việc lựa chọn công ty tương đồng, nhưng không có ví dụ hướng dẫn cụ thể, cần có nhiều ví dụ minh chứng để giảm thiểu sự bất đồng ý kiến về việc lựa chọn đối tượng tương đồng giữa người nộp thuế và cơ quan thuế khi thanh tra.
Khó khăn nữa là, trong thanh tra chuyển giá thực tế tại DN, cơ quan thuế chưa phân biệt lợi nhuận của DN mới hoạt động. Ví dụ: Công ty M bắt đầu hoạt động và có doanh thu từ tháng 6/2006. Năm 2007 là năm đầu tiên công ty đầu tư cho cả năm hoạt động và cũng là năm duy nhất công ty bị lỗ gộp. Từ năm 2008 trở đi, công ty bắt đầu có lãi và tăng dần qua các năm.
Nhưng đến năm 2016, cơ quan thuế địa phương thanh tra giá chuyển nhượng các năm từ 2007 – 2012; đoàn thanh tra đã ấn định mức tỷ suất thu nhập thuần trước thuế thu nhập DN để điều chỉnh tỷ suất lợi nhuận của công ty cho các năm 2007, 2008, 2009 và 2010 (tương ứng 6,66%, 9,05%, 9,33% và 10,35%). Theo đó, đoàn kiến nghị truy thuế thu nhập DN, kiến nghị xử phạt kê khai sai thuế thu nhập DN và tính tiền chậm nộp trên số thuế truy thu thuế thu nhập DN.
Bà có kiến nghị gì để các quy định được hoàn thiện hơn?
Theo tôi, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần sớm nghiên cứu, hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc của DN. Cụ thể là việc hướng dẫn thực hiện thống nhất mức khống chế chi phí lãi tiền vay, hướng dẫn chi tiết thêm một số phụ lục chi tiết tại các biểu mẫu kê khai.
Tổng Cục Thuế cần đào tạo, hướng dẫn, chỉ đạo các cục thuế trong hướng dẫn DN kê khai, cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch liên kết.
Đối với cơ quan thuế, cần hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng, đảm bảo tạo thuận lợi cho DN thực hiện nghĩa vụ thuế, giảm chi phí tuân thủ; đồng thời xử lý nghiêm minh các DN gian lận, trốn tránh thuế, trong đó có hành vi chuyển giá.
Trân trọng cảm ơn bà!
Anh Đức (Thực hiện)
Tin mới
30 cán bộ công nhân viên Công ty Điện lực Bắc Ninh lên đường hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh
30 công nhân tinh nhuệ trong Đội xung kích, đến từ các đơn vị trực thuộc Công ty Điện lực Bắc Ninh vừa xuất phát lên đường hỗ trợ, khắc phục sự cố sau bão số 3 cho Công ty Điện lực Quảng Ninh.
Công điện của Bộ Công thương về đảm bảo không thiếu hàng hóa, thực phẩm sau bão
Bộ Công Thương vừa ban hành Công điện về tăng cường công tác cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi).
Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ: Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản-Australia sẽ như thế nào?
Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ ban đầu dự kiến tổ chức tại Ấn Độ, song đã được chuyển đến Mỹ để phù hợp với lịch trình các nhà lãnh đạo tham dự khóa họp 79 Đại hội đồng Liên Hợp quốc tại New York.
Căng tin bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang
Tại căng tin nhà D, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang hiện tượng hàng hóa nhập ngoại không dán tem nhãn phụ tiếng Việt, không rõ nguồn gốc xuất xứ; công khai bán thuốc trái phép; bán sữa, vú ngậm dành cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sai quy định,… đó là những gì phóng viên ghi nhận được tại căng tin nhà D thuộc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang.
Vùng nuôi trồng thủy sản quyết tâm hồi phục
Bão số 3 để lại thiệt hại vô cùng nghiêm trọng đối với những người nuôi trồng thủy sản phía bắc. Nhưng với sự hỗ trợ, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cùng ý chí kiên cường của người dân, nhiều hộ gia đình vẫn quyết tâm theo nghề, bám biển, sẵn sàng khởi nghiệp lại từ đầu.
Tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai thông tuyến, hàng cứu trợ vận chuyển kịp thời
Thông tin từ Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) cho biết, tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai chính thức được thông, kịp thời chở hàng cứu trợ đến các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng nề của bão số 3.
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới