Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, họ vẫn gặp vướng mắc trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ.

Chia sẻ về những khó khăn đang hiện hữu trong ngành da giày hiện nay, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, tổng cầu ngành da giày đã bị tác động từ khi dịch Covid-19 mới bùng phát.

Các doanh nghiệp lớn còn trụ được thì bị giảm tới 50% đơn hàng, các doanh nghiệp nhỏ đã phải đóng cửa hàng loạt. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài sẽ buộc doanh nghiệp phải cắt giảm khoảng 30% nhân công, có doanh nghiệp phải giảm tới 70% nhân công.

Doanh nghiệp vướng mắc nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợDoanh nghiệp vướng mắc trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ

Theo bà Xuân, những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt là không hề nhỏ, nhưng đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được hỗ trợ. Nếu đến tháng 10 tới, dịch bệnh qua đi, kinh tế dần phục hồi thì doanh nghiệp vẫn có thể cầm cự. Nhưng nếu dịch bệnh vẫn kéo dài đến năm sau thì Nhà nước phải có phương án khẩn cấp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Với ngành dệt may, tình hình cũng vô cùng bi đát. Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên chia sẻ, đại dịch đã làm mất đi một lượng đơn hàng lớn, doanh nghiệp không có nguồn thu, khiến vấn đề chi trả lương cho nhân viên, chi phí đào tạo nâng cao tay nghề nhân công trở nên khó khăn.

Với vấn đề đầu tư thiết bị, ông Dương cho hay, trên thế giới, nhiều nước đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp về 0%, nhưng ở Việt Nam, vốn vay lãi suất vẫn ở ngưỡng 10% thì doanh nghiệp không thể đủ chi phí, nhất là trong bối cảnh đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Doanh nghiệp rất mong được hưởng lãi suất ưu đãi để đầu tư thiết bị hiện đại hơn có thể đáp ứng được nhiều thị trường khó tính.

Theo chia sẻ chung của nhiều doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ là do các quy định điều kiện được hưởng các chính sách rất khắt khe, doanh nghiệp khó đáp ứng được. Cụ thể, với gói hỗ trợ tín dụng, có ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh được thiệt hại do Covid-19 gây ra, chứng minh khả năng trả nợ. Các doanh nghiệp cho rằng, để thực hiện được những việc này là vô cùng phức tạp và mất nhiều thời gian...

PGS-TS. Nguyễn Đức Thành - chuyên gia kinh tế vĩ mô, đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, chính sách tín dụng mở rộng cho doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong tổng thể các chính sách của Chính phủ nhằm khắc phục những khó khăn của nền kinh tế hiện nay do đại dịch Covid-19 gây nên.

Theo đó, Chính phủ đang triển khai nhiều nhóm giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thông qua chính sách tín dụng, giảm lãi suất và điều hành tỷ giá; hỗ trợ thông qua nhóm chính sách tài khóa như cắt giảm các khoản thu, phí… Đồng thời, thúc đẩy thực hiện các công trình đầu tư công lớn từ nay đến cuối năm để đưa vốn vào nền kinh tế.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, bản thân các doanh nghiệp, đặc biệt là các DNNVV cần nắm bắt tình hình nhằm tìm ra hướng đi mới cùng những giải pháp phù hợp, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam bước vào trạng thái “bình thường mới”.

Trước đó, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

Thế Long(T/h)